Theo Công ty Cổ phần Nghiên cứu Ngành và Tư vấn Việt Nam VIRAC, trong niên vụ 2016/2017, tổng lượng cà phê nhập khẩu ước đạt 1 triệu bao, tăng so với mức 640.000 bao trong niên vụ trước. Dự báo tổng sản lượng cà phê Việt Nam sẽ nhập khẩu trong niên vụ 2017/18 đạt khoảng 1.06 triệu bao. Việt Nam hiện đang nhập khẩu cà phê tươi, cà phê rang xay, cà phê pha sẵn từ Trung Quốc, Lào, Brazil, Mỹ…
Lý giải nguyên nhân cho việc lượng cà phê rang xay nhập khẩu tăng trong vài năm gần đây là do ngành bán lẻ cà phê phát triển mạnh mẽ với rất nhiều thương hiệu nước ngoài như Starbucks, McCafé, Dunkin Donuts, và PJ's Coffee bao gồm một số thương hiệu cà phê Hàn Quốc đã mở rộng thị trường của họ tại các thành phố lớn của Việt Nam.
Trong khi đó, dù kinh doanh ngay tại nguồn cung cà phê lớn thứ 2 thế giới, những thương hiệu này vẫn liên tục nhập khẩu cà phê từ các quốc gia khác. Các hãng đồ uống này đặt ra rất nhiều yêu cầu khắt khe về nguồn nguyên liệu cho các sản phẩm của họ nhưng hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ sức, đủ công nghệ, đủ khả năng cạnh tranh với những thương hiệu cà phê rang xay, hòa tan nước ngoài. Vì vậy, cà phê thô chiếm đến hơn 90% trong lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam.
Ngành bán lẻ cà phê phát triển khiến lượng cà phê nhập khẩu tăng cao. Nguồn: VIRAC, USDA
Trong đề án quy hoạch ngành cà phê, Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2020, lượng cà phê chế biến sâu (rang xay, hòa tan) chiếm 30% sản lượng cà phê Việt Nam. Nhưng có thể nói cho đến nay, ngành cà phê vẫn chưa gặt hái được nhiều thành quả, không phát triển được chế biến sâu, hiện chỉ chiếm khoảng 7%-8% sản lượng cà phê cả nước.
Cho dù hiện nay ngày càng có nhiều thương hiệu cà phê nước ngoài có ý định xâm nhập thị trường Việt Nam nhưng những doanh nghiệp Việt kinh doanh trong lĩnh vực này như Highlands Coffee, Trung Nguyên hay Vinacafe, Phúc Long…đang sử dụng chính những hạt cà phê trên các vùng cao nguyên màu mỡ Việt Nam cho những sản phẩm của mình cũng là những dấu hiệu đáng mừng cho ngành cà phê chế biến nước ta.