Lo lắng về thị trường "con gấu" và không biết điều sẽ diễn ra tiếp theo, các nhà đầu tư đang tìm cách để bảo vệ danh mục đầu tư trước những biến động mạnh hơn. Tuy nhiên, các nhà tư vấn và nhà kinh tế cảnh báo, những hành động được thực hiện khi đang sợ hãi có thể không hiệu quả.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần này, S&P 500 đã giảm hơn 20% so với mức đỉnh thiết lập gần đây và chính thức bước vào thị trường giá xuống. Hôm 15/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thực hiện đợt nâng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1994, nhằm kiềm chế lạm phát.
Việc kinh tế Mỹ có đang ở trong giai đoạn suy thoái hay chuẩn bị bước vào vẫn là vấn đề được tranh luận gắt gao. Song, một số nhà kinh tế vẫn lo ngại về diễn biến của nền kinh tế. Khi tăng trưởng kinh tế tụt dốc, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên, lương của người lao động rơi vào trạng thái trì trệ và khiến chi tiêu chậm lại.
Michael Liersch – trưởng trung tâm tư vấn và lập kế hoạch của Wells Fargo, cho biết đối với các nhà đầu tư, cảm giác chán nản và u ám hiện tại có thể khiến họ đưa ra những quyết định không hợp lý với các khoản đầu tư, nợ và ngân sách của gia đình.
Liersch cho hay: "Nhà đầu tư sẽ làm những gì họ cảm thấy là tốt và quen thuộc nhìn từ góc độ tài chính, thay vì những gì thực sự giúp ích cho họ."
Dưới đây là 3 sai lầm phổ biến mà các nhà tư vấn khuyên giới đầu tư nên tránh khi đang đối mặt với thị trường giá xuống.
1. Bán cổ phiếu trong hoảng loạn
Katie Nixon – CIO của Northern Trust Wealth Management, cho biết nhóm nhà đầu tư cá nhân có xu hướng bán ra khi kinh tế suy thoái nay đã có những động thái tác động đến giá cổ phiếu. Song, khi bán ở thời điểm này, họ đang mắc kẹt trong những khoản lỗ.
Bà nhận định: "Thời điểm tồi tệ như hiện tại có thể gây ra hậu quả tiêu cực cho việc tạo ra lợi nhuận."
Dana Menard – nhà lập kế hoạch tài chính của Maple Grove, cho biết một số người đã tạm ngừng chuyển tiền đến quỹ 401 (k) ở thời kỳ thị trường đi xuống trong thời gian vừa qua để "cầm tiền về". Hành động này có thể thúc đẩy dòng tiền ngắn hạn nhưng sau đó họ lại lỡ hạn với chương trình đóng góp của nhân viên (Employee Contribution) và sau đó sẽ mất đi những khoản hỗ trợ. Theo Menard, mọi người sau đó sẽ có xu hướng quên đóng góp tiếp khi thị trường bắt đầu hồi phục, không có được lợi nhuận vì đã lựa chọn chi tiêu nhiều hơn.
Nhận định việc không chấp nhận sự thật rằng thị trường đang có diễn biến xấu cũng không phải là một chiến lược nhà đầu tư nên làm.
Theo David Huebner – nhà hoạch định kế hoạch tài chính ở Fargo, khi cân nhắc, nhà đầu tư nên tập trung cân bằng lại các khoản đầu tư, bằng cách phân bổ lại tài sản và triết lý đầu tư tổng thể. Nếu bạn có nhiều tiền hơn, hãy tận dụng thị trường giá xuống để mua những cổ phiếu đang có mức giá hấp dẫn.
Betty Wang, nhà hoạch định kế hoạch tài chính ở Denver, đưa ra lời khuyên, ngoài việc kiểm tra số dư tài khoản, nhà đầu tư nên kiểm soát cả trạng thái tâm lý của mình. Bà cho hay việc thị trường đi xuống là thực tế không thể tránh khỏi của việc đầu tư. Theo bà, nếu nhà đầu tư "mất ngủ" vì diễn biến thị trường, thì có lẽ đó là lúc nên xem lại chiến lược phân bổ tài sản của mình.
2. Sử dụng tiền tiết kiệm cho trường hợp khẩn cấp để trả nợ
Trả nợ thẻ tín dụng là một trong những điều nên làm khi lãi suất đang tăng và nhiều yếu tố không chắc chắn có thể xảy ra trong tương lai. Song, một số chuyên gia như Thomas Blower – nhà hoạch định kế hoạch tài chính ở Grand Rapids, cho biết một số người lại đi quá xa trong việc trả nợ.
Blower cho hay, nếu dùng quá nhiều tiền tiết kiệm bằng cách mạnh tay thanh toán các khoản nợ với lãi suất thấp, bạn có thể sẽ thiếu tiền khi thị trường đang đi xuống.
Ted Halpern – nhà hoạch định kế hoạch tài chính ở Ashburn, nói rằng các chi phí cố định trong 1 tháng như tiền thuê nhà hay tiền thế chấp là những khoản cần thanh toán khi kinh tế sắp suy thoái. Hãy giữ nguyên khoản dự trù chi phí phát sinh của khoảng 3 tháng trong tài khoản tiết kiệm của bạn.
3. Chi tiêu như chưa có cuộc suy thoái nào xảy ra
Curtis Crossland – nhà hoạch định kế hoạch tài chính ở Scottsdale, cho biết việc không đánh giá lại ngân sách và thay đổi thường xuyên có thể khiến mọi người không có đủ khả năng để điều chỉnh hoạt động chi tiêu trong thời kỳ suy thoái. Nhìn chung, người tiêu dùng nên tránh chi tiêu cho những loại hàng hóa không thiết yếu hay đăng ký thêm các dịch vụ mới và tìm cách giảm thiểu những khoản chi tiêu theo ý thích. Ông nói thêm, không nên tạo thêm các khoản chi phí cố định mới ví dụ như khoản vay mua ô tô, trong trường hợp bạn có thể tránh.
Nhiều người chi tiêu nhiều hơn mức thu nhập của họ, Valerie Rivera, nhà hoạch định kế hoạch tài chính ở Chicago cho biết. Theo bà, mọi người nên liệt kê những khoản chi cần thiết để trang trải cho cuộc sống và cắt giảm chi phí không thiết yếu.
Sự kiên nhẫn sẽ tạo ra "trái ngọt". Tara Unverzgat – nhà hoạch định kế hoạch tài chính ở Torrance, muốn sửa sang lại căn nhà trong thời kỳ bong bóng dotcom bùng nổ vào cuối những năm 1990. Cô đã bắt đầu chuẩn bị cho kế hoạch này, tìm kiến trúc sư và chi tiền, nhưng cô lại quyết định chờ đợi đến sau khi cuộc khủng hoảng qua đi. Khi đó, mức giá để cải tổ căn nhà đã thấp hơn đáng kể.
Unverzagt cho biết: "Nếu không có được mức giá mình mong muốn vì phía bên kia không đồng ý, đó thường là dấu hiệu cho thấy tôi nên chờ đợi thêm một chút cho đến khi họ ‘xuống nước’."
Tham khảo WSJ