Việt Nam đang phải đối mặt như đợt bùng dịch Covid-19 nặng nề nhất từ đầu năm tới nay, ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng, nhất là ngành du lịch vẫn tiếp tục ảm đạm. Thế nhưng, 6 tháng đầu năm 2021, GDP của Việt Nam đã tăng 5,64% so với cùng kỳ năm 2020. Dù thấp hơn mục tiêu đặt ra nhưng đây cũng là mức tăng trưởng tích cực trên nền tăng trưởng thấp của năm 2020. Động lực tăng trưởng chính đến từ ngành sản xuất và xuất khẩu, khi ngành này duy trì bền vững đáng ngạc nhiên.
Trong đó, trong cơ cấu GDP nửa đầu năm nay, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05% vào GDP. Khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%. Riêng xuất khẩu vẫn đạt con số 157,63 tỷ USD, tăng đến 28,4% so với cùng kỳ. Với công nghiệp chế biến – chế tạo, cả 5 thành phố trực thuộc trung ương đều ghi nhận chỉ số sản xuất tăng trưởng tốt.
Những con số liên quan đến ngành chế biến, xuất khẩu gỗ là dẫn chứng cho những con số tăng trưởng kể trên. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng của ngành ngành đạt 62%. Các thị trường xuất khẩu như Mỹ tăng đến 90%. Kết quả là, Việt Nam đã vượt Trung Quốc để trở thành nhà xuất khẩu gỗ lớn nhất vào thị trường Hoa Kỳ.
Có thể thấy, nguyên nhân khiến tăng trưởng xuất khẩu gỗ vẫn đạt được những con số ấn tượng trong nửa đầu năm là do sức mua phục hồi ở Mỹ và châu Âu, cùng với sự ổn định nhu cầu của thị trường châu Á. Đồng thời, chuỗi cung ứng của Việt Nam không bị đứt gãy do dịch nên Covid-19. Mặc dù những diễn biến mới của dịch bệnh khiến 1 số nhà máy bị phong tỏa, nhưng phần lớn vẫn đang hoạt động.
Không những thế, một số doanh nghiệp lớn còn mở rộng quy mô sản xuất, tuyển thêm lao động, cũng như chuẩn bị nguyên vật liệu sản xuất cho mùa vụ sản xuất tiếp theo. Do đó, nửa còn lại của năm nay, dự báo xuất khẩu gỗ vẫn tích cực.
Chia sẻ trong chương trình "Thách thức tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2021", ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, tháng 4/2021, một số doanh nghiệp có tổ chức tuần lễ xúc tiến kết nối giao thương. Điểm đặc biệt của tuần lễ này đó là nhu cầu mua hàng còn cao hơn cả nguồn cung. Đây là tín hiệu tích cực cho ngành gỗ vì điều này đồng nghĩa với việc đơn hàng rất nhiều.
Ngoài ra, các hợp đồng xuất khẩu cũng hoạt động vô cùng tích cực trong quý II/2021, khi Việt Nam vẫn hưởng lợi từ nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm bao gồm điện tử và máy móc. Phần lớn hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu thô và là hàng hóa đầu vào của quá trình sản xuất. Sau khi được đưa vào sản xuất, sản phẩm sẽ được đem xuất khẩu. Do đó, kim ngạch nhập khẩu ổn định báo hiệu một chu kỳ xuất khẩu mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Ngành gỗ đứng vững bất chấp tình hình phức tạp của Covid-19
Cũng trong chương trình, ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế phụ trách Việt Nam và Thái Lan, Ngân hàng Standard Chartered nhận định: "Nhìn vào số liệu thương mại, chúng ta thấy, do sự hỗ trợ của môi trường thương mại toàn cầu được cải thiện nên tình hình xuất khẩu của Việt Nam đạt mức tăng trưởng khoảng 30%. Tổng kết lại thì nền kinh tế Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng nhanh trong năm nay và các yếu tố nền tảng trong nước tiếp tục duy trì mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm bất chấp những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19".
Theo Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo quý II/2021 vẫn ghi nhận đánh giá tích cực khi có gần 70% số doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty so với trước vẫn đang tốt lên và giữ ổn định. Dự báo 6 tháng cuối năm, có hơn 80% doanh nghiệp cho rằng tỷ lệ xuất khẩu mới sẽ tăng hoặc giữ nguyên, chứ không giảm.
Hiện Chính phủ vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 sẽ đạt 6%. Đây là một thách thức lớn bởi để đạt được mục tiêu này thì nửa còn lại của năm, nền kinh tế sẽ phải cần tăng trưởng ở mức 6,3% trong bối cảnh các tỉnh thành có đóng góp GDP cao như TP.HCM, Bình Dương đang phải chống chọi với làn sóng dịch bệnh lớn nhất từ trước đến nay. Vì lẽ đó mà các giải pháp chống dịch và lộ trình triển khai vaccine sẽ là 2 yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế vào nửa cuối năm 2021.
Trong báo cáo mới nhất, ngân hàng HSBC đã đề cập đến những nguy cơ ngắn hạn của tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng khi chỉ số PMI tháng 6 của Việt Nam lao dốc xuống 44,1 điểm, đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua. Các khu công nghiệp lớn đều bị ảnh hưởng, do đó, tác động lên sản xuất sẽ còn tiếp tục gia tăng khi tâm dịch giờ đây là ở TP.HCM. Nơi đây hiện đóng góp 22% vào GDP của cả nước, giới chuyên gia dự báo các biện pháp giãn cách xã hội sẽ khiến nền kinh tế thành phố bị tác động tiêu cực và sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của quốc gia.
"Vì thế mà vẫn còn những lo ngại về tình trạng đứt chuỗi cung ứng. Tình trạng có xảy ra hay không phần lớn phụ thuộc vào Chính phủ Việt Nam phải nhanh chóng kiểm soát được đợt dịch thứ 4. Và khi nhìn lại những gì mà Việt Nam đã làm được trong 3 đợt dịch trước, ngân hàng chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ nhanh chóng dập tắt đợt dịch lần này. Kinh tế sau đó nhanh chóng được phục hồi và ổn định" – trích lời phỏng vấn trong chương trình "Thách thức tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2021" của bà Yun Liu, Chuyên gia kinh tế và thị trường ASEAN, Ngân hàng HSBC.
Cũng theo phân tích của HSBC, dịch bệnh phức tạp đã khiến ngành dịch vụ bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Các ngành liên quan đến du lịch, đặc biệt là vận tải và lưu trú tiếp tục chịu tình trạng ảm đạm. Chỉ riêng tháng 5 và 6/2021, tăng trưởng bán lẻ giảm liên tiếp so với cùng kỳ năm 2020, tổng số lượng việc làm giảm 65 nghìn so với quý trước. Do đó, trong ngắn hạn, HSBC đã giảm mức dự báo tăng trưởng năm nay của Việt Nam từ 6,6% xuống còn 6,1%.
"Bất kể những thách thức trước mắt do đại dịch Covid-19, chúng tôi tin rằng triển vọng phục hồi của Việt Nam vẫn tương sáng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang có những dấu hiệu cải thiện tích cực. Ngoài nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh, một ưu tiên quan trọng của Việt Nam cần làm đó là tăng tốc mua vaccine và triển khai tiêm phòng cho người dân. Việt Nam vẫn đang đi sau các nước trong khu vực về chích ngừa, chỉ khoảng 3% dân số được tiêm phòng ít nhất 1 mũi." – Bà Liu nói thêm.
Việt Nam cần khẩn trương thực hiện và mở rộng việc tiêm chủng càng sớm càng tốt. Đó chính là nền tảng, là tấm "hộ chiếu" để Việt Nam sớm quay trở lại với nền kinh tế toàn cầu. Đó cũng là quan điểm của PGS.TS Quách Mạnh Hào – Sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt Nam – Anh Quốc, Đại học Lincoln trong chương trình "Thách thức tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2021". Theo ông, trong bối cảnh trước mắt, cần tìm ra các giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh, nhưng cũng cần phải ưu tiên đảm bảo an sinh xã hội.
"Hoạt động kinh tế trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt đối với nhưng doanh nghiệp nhỏ và tầng lớp dân cư nghèo thì việc tiêm chủng việc là vô cùng quan trọng. Bởi vì nếu như những biện pháp giãn cách hay cách ly được thực hiện một cách nghiêm ngặt sẽ khiến những hoạt động kinh tế bị đình trệ. Hậu quả sẽ dẫn đến những vấn đề liên quan đến sự phân giàu nghèo với mức độ còn nghiêm trọng hơn cả dịch bệnh" - Ông Hào nhấn mạnh.
Nhìn chung, mặc dù hạ dự báo tăng trưởng do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng hầu hết các tổ chức quốc tế đều đánh giá GDP của Việt Nam năm nay vẫn trên 6%, cũng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng từ 6%-6,5% mà Chính phủ đã đề ra.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có những động thái rất là tích cực như yêu cầu TP.HCM tăng cường hỗ trợ cho người lao động, người nghèo khó khăn hay tăng lượng vaccine cho thành phố với quyết tâm kiềm chế, ngăn chặn đẩy lùi dịch bệnh để hoạt động của thành phố trở lại bình thường.