Cổ phiếu của các nhà sản xuất bán dẫn (vốn ảnh hưởng trực tiếp bởi thương mại), và ngân hàng (nhạy cảm với lãi suất) nằm trong số những mã rớt điểm mạnh nhất. Cổ phiếu của các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đồng loạt trượt dốc. Chỉ số KBW Bank giảm 4,1% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 4/6 dẫn đầu là Bank of America - mất 5,5%, mức giảm lớn nhất kể từ ngày 4/12. Trong khi đó, Citigroup sụt hơn 4%, JPMorgan bay 3,8%.
Micron Technology mất 6,2%, Texas Instrusment sụt 4,4% và Intel giảm 4%. Apple ghi nhận đà lao dốc mạnh nhất kể từ ngày 13/5 là 5,6%. Cổ phiếu của những "gã khổng lồ" công nghệ của Trung Quốc cũng không ngoại lệ, Alibaba và JD.com đã tụt xuống gần mốc thấp nhất 2 tháng ở thị trường Mỹ.
Các nhà sản xuất thiết bị nông nghiệp Deere & Co. và AGCO Corp. cũng mất giá mạnh khi Trung Quốc thông báo tạm dừng nhập khẩu nông sản từ phía Mỹ. Căng thẳng thương mại leo thang cũng mang đến rủi ro lớn đối với ngành ô tô của Mỹ. Theo CIO mảng quản lý tài sản toàn cầu của UBS, Mark Haefele, động thái leo thang mới nhất làm tăng khả năng "thuế quan có thể được áp dụng cho nhập khẩu ô tô".
Tổng thống Donald Trump đã chia sẻ về Trung Quốc và Fed vào buổi sáng thứ Hai trên Twitter: "Trung Quốc giảm giá đồng NDT xuống mức thấp gần nhất trong lịch sử. Điều đó gọi là 'thao túng tiền tệ'. Fed có nghe thấy điều gì hay không? Đây là sai lầm lớn sẽ khiến Trung Quốc suy yếu dần dần!"
Dưới đây là nhận định của các chuyên gia về những gì đã diễn ra:
Nhà phân tích Chris Krueger đến từ Ngân hàng Cowen
Krueger nói về đòn trả đũa "mạnh bạo" của Trung Quốc, ông cho rằng "trên thang điểm từ 1 đến 10, thì đó là mức 11." Ông chỉ ra rằng chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo những công ty nhà nước tạm dừng mua nông sản của Mỹ, trong khi đó, "những bằng chứng trước đây cũng cho thấy chính phủ nước này cũng thắt chặt việc mua bán với những công ty nước ngoài."
Ông cho hay: "Trong khi có những biện pháp có thể được lựa chọn với tác động trực tiếp lớn hơn đối với chuỗi cung ứng, thì các thông báo từ Bắc Kinh thể hiện cho một phát súng trực tiếp nhằm vào Nhà Trắng và dường như được tạo ra với mục đích mang đến tác động mạnh nhất về chính trị. Chúng tôi dự đoán Nhà Trắng sẽ nhanh chóng có phản ứng và do đó căng thẳng thương mại sẽ leo thang nhanh hơn nữa."
Nhà phân tích nói thêm: "Hiện tại, thị trường càng kỳ vọng rằng Fed sẽ hạ lãi suất thêm lần nữa vào tháng 9 để bù đắp những tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại. Động thái như vậy sẽ có thể bù đắp một phần cho những 'cơn gió ngược' mà những đợt 'ăn miếng trả miếng' gây ra." Trong một ghi chú, Krueger nhận định rằng "điểm dừng tiếp theo trên con đường thao túng tiền tệ có lẽ nằm ngoài tấm bản đồ."
Lyn Gen đến từ Ngân hàng Montreal (BMO)
"Sự chờ đợi đã kết thúc đối với những ai đang băn khoăn rằng Bắc Kinh sẽ trả đũa cho đòn thuế quan mới của Washington thế nào. Kết quả là đồng NDT phá vỡ ngưỡng 7 đổi 1 USD", chuyên gia của BMO cho hay.
Việc định hướng các công ty nhà nước Trung Quốc ngừng mua nông sản của Mỹ đã châm ngòi cho "tình trạng rút vốn ồ ạt", đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng lên 1,74% và trái phiếu 2 năm cũng trên đà tương tự. Đó là một diễn biến đáng kinh ngạc cho thấy tháng 8 này sẽ không ảm đạm như trước đây.
Lyngen nói thêm: "Điều đáng chú ý nhất ở thời điểm này là liệu đồng NDT sẽ được hạ giá thêm bao nhiêu nữa bởi hiện tại đồng tiền tệ này đã yếu nhất kể từ năm 2008."
Nhà phân tích chiến lược Mihcheal Zezas của Morgan Stanley
Zezas cho hay: "Động lực đàm phán và điều kiện vĩ mô của Mỹ - Trung Quốc mang ý nghĩa là vòng thuế quan tiếp theo sẽ được tung ra, các nhà đầu tư có thể sẽ có tâm lý như thể động thái leo thang tiếp theo sẽ diễn ra vào năm 2019 cho đến khi giá trị thị trường bị ảnh hưởng. Điều này bổ trợ cho quan điểm cốt lõi của chúng tôi về tăng trưởng yếu đi và làm lệch hướng sự 'ôn hoà' của Fed."
Zezas nhận thấy những lợi thế khi Mỹ khiến căng thẳng gia tăng nhanh chóng. Nếu chính quyền "hiểu nhiệm vụ phản ứng chính sách thương mại của Fed, thì có thể mang lại 1 hoặc 3 điểm có lợi trước thềm chiến dịch bầu cử năm 2020", đó là:
1) Phản ứng kích thích nhanh và mạnh hơn của Fed, có thể giúp nền kinh tế khi tiến đến chiến dịch bầu cử.
2) Nhiều thời gian hơn để tái định hình những nhược điểm có thể có của nền kinh tế.
3) Sự nhượng bộ lớn của Trung Quốc (không phải trường hợp cơ bản nhưng cũng có khả năng diễn ra).
Henrietta Treyz đến từ Tổ chức Tín dụng Veda
Treyz viết trong một ghi chú: "Mỹ và Trung Quốc đang chuyển sang một trong những giai đoạn quyết liệt nhất của cuộc chiến thương mại đã kéo dài hơn 1 năm qua. Chúng tôi hoàn toàn dự đoán rằng mọi thứ sẽ leo thang từ đây."
Treyz cho biết việc điều chỉnh tỷ giá đồng tiền tệ của Trung Quốc là một lợi thế họ có được khi đối đầu với Mỹ - "đó là vấn đề cốt lõi của chính quyền ông Trump". Hơn nữa, những cuộc đối thoại của bà với các thành viên đảng Cộng hoà chỉ ra rằng "nền kinh tế Trung Quốc đang trên bờ vực sụp đổ, với sự hỗn loạn ở Hong Kong."