Triết lý đầu tư giá trị đã xuất hiện gần 100 năm nay và được công nhận cả về mặt học thuật lẫn thực nghiệm. Benjamin Graham và David Dodd được xem là người đầu tiên đặt ra các quy tắc và kỷ luật nền tảng của đầu tư giá trị từ những năm 1920, với việc mua cổ phiếu ở một mức "biên an toàn" so với giá trị thực của cổ phiếu.
Graham đã đưa đầu tư giá trị được biết đến rộng rãi thông qua các lớp học tại nơi ông giảng dạy là trường Đại học Columbia. Học trò nổi tiếng nhất của ông là Warren Buffett, người chuyên tìm kiếm các công ty giao dịch dưới giá trị thực của nó và sau này trở thành nhà đầu tư giàu có nhất thế giới. Buffett cũng là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ các nhà đầu tư giá trị xuất hiện sau này như Mohnish Pabrai, Prem Watsa, Bill Nygren, và một loạt các quỹ phòng hộ khác cùng các nhà quản lý quỹ tương hỗ, những người đã phát triển các lý luận đầu tư giá trị cho riêng mình.
Đầu tư giá trị thất sủng
Tuy nhiên, những người tham gia thị trường từ nhiều năm nay đã đặt ra những nghi ngờ với hiệu quả của đầu tư giá trị. Từ những năm 90 cho tới thời kỳ bong bóng dot com, số đông nhà đầu tư đều ưa thích các cổ phiếu tăng trưởng, với đặc tính hoạt động bùng nổ của doanh nghiệp trong cả tình hình kinh doanh lẫn giá cổ phiếu.
Trong khi đó, các nhà đầu tư trung thành với triết lý đầu tư giá trị vẫn kiên nhẫn với phương pháp của mình. Nhưng trong suốt hơn một thập kỷ vừa qua, các cổ phiếu giá trị có vẻ như đã khiến họ trở nên kiệt sức và chán nản vì chờ đợi. Chỉ số Giá trị Russell 1000 (Russell Value 1000 Index) hồi phục 102% kể từ sau khủng hoảng, khá khiêm tốn so với mức tăng 178% của Chỉ số Tăng trưởng Russell 1000 (Russell Growth 1000 Index) trong cùng thời gian nói trên.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của các quỹ chỉ số với chi phí thấp đã thu hút được lượng tiền khổng lồ từ nhà đầu tư trên khắp thế giới. Điều này càng khiến cho các quỹ tương hỗ được quản lý bởi những nhà đầu tư giá trị phải chứng kiến lượng tiền ròng rút ra trong thời gian dài. Ông Eveillard, chủ tịch quỹ SoGen Funds, đã chứng kiến lượng tiền đầu tư vào quỹ giảm từ 6 tỷ USD xuống còn 2 tỷ USD trong suốt những năm cuối thập niên 90. "Trong năm 97, các nhà đầu tư đã bày tỏ sự thất vọng. Đến năm 98, họ bắt đầu tức giận. Và một năm sau đó, họ đã biến mất khỏi quỹ."
Lượng tiền đổ vào thị trường càng dồi dào với lãi suất thấp bởi chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hang trung ương sau khủng hoảng tài chính 2008 nhằm vực dậy nền kinh tế. Điều đó tạo thuận lợi to lớn cho các công ty tăng trưởng, đặc biệt là các startups công nghệ, có thêm nguồn vốn và mở rộng hoạt động, khiến cổ phiếu của họ càng trở nên hấp dẫn hơn nữa.
Nhà đầu tư quay trở lại
Tuy nhiên, các diễn biến gần đây cho thấy các cổ phiếu giá trị có vẻ như đang chuẩn bị cho một sự vực dậy mạnh mẽ.
Alec Lucas, chuyên gia phân tích cao cấp tại Morningstar, chỉ ra rằng có tới 3/4 các nhà quản lý quỹ đầu tư giá trị đã đánh bại được thị trường trong năm ngoái. Con số trong quý đầu năm nay tiếp tục duy trì ở mức cao tới 63%, vượt trội so với tỷ lệ của các quỹ đầu tư tăng trưởng trong cả hai giai đoạn.
Động lực cho sự đảo chiều đáng chú ý này có thể đến từ việc một số ngành được cho là ổn định ở các nước phát triển như sản xuất công nghiệp, tài chính hay năng lượng đang nhận được những điều kiện kinh doanh tốt chưa từng có. Các nỗ lực bãi bỏ và cắt giảm thuế sẽ thúc đẩy những ngành này gia tăng lợi nhuận.
Trong khi đó, các doanh nghiệp tăng trưởng đang được định giá quá cao lại không cho thấy sự phát triển tương ứng với kỳ vọng của nhà đầu tư. Ông Thomas Lee, chuyên gia tại FunStrat Glbobal Advisor, cho biết tại Mỹ, các cổ phiếu giá trị đang được giao dịch ở khoảng 13 – 14 lần lợi nhuận năm. Các cổ phiếu FANG – Facebook, Amazon.com, Netflix và Google – có tỷ số này ở mức gần gấp đôi.
Việc Fed tăng lãi suất trở lại có thể sẽ khiến các nhà đầu tư vào những công ty tăng trưởng này trở nên mất kiên nhẫn và không thể chờ đợi thêm nữa. Lãi suất tăng cũng ảnh hưởng tới dòng vốn để đáp ứng cho nhu cầu vốn khổng lồ của những công ty này.
Thay vì chịu rủi ro lớn khi chờ đợi những công ty này làm ăn có lãi để bù đắp lại mức giá cao chót vót, nhiều nhà đầu tư bắt đầu dịch chuyển sang những cổ phiếu đảm bảo tỷ lệ sinh lời cao hơn lãi suất với mức độ an toàn và chắc chắn đáng kể.
Vẫn còn quá sớm để cho rằng số đông nhà đầu tư sẽ quay trở lại với triết lý đầu tư giá trị truyền thống như nó đã được tôn thờ trong suốt nhiều thập niên của thế kỷ trước, nhưng lịch sử đã chứng minh, các nhà đầu tư giá trị luôn là những người trụ vững sau mỗi cuộc khủng hoảng lớn của thị trường.
Sau cùng, chìa khóa vẫn là sự kiên nhẫn. Ông David Winters, nhà quản lý quỹ tại Wintergreen, quan sát thấy rất nhiều người vẫn đang tìm mua cổ phiếu ở mức giá chiết khấu hợp lý so với giá trị thực của nó, theo đúng triết lý đầu tư giá trị truyền thống. Mặc dù chưa chắc chắn khi nào các nhà đầu tư sẽ quay lại với đầu tư giá trị, nhưng ông tin rằng thời điểm đó sẽ nhanh chóng đến.