Trước áp lực tỷ giá do Fed cấp tập hút tiền chống lạm phát, xu hướng tăng lãi suất trở nên phổ biến trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chỉ trong vòng một tháng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có lần thứ 2 tăng lãi suất điều hành thêm 1%/năm.
Không nằm ngoài xu hướng, các công ty chứng khoán cũng đã đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất cho vay ký quỹ (margin) lên dao động tỏng khoảng 13-15%/năm.
Mới đây, VNDirect đã thông báo sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay ký quỹ (margin) và ứng trước tiền bán lên 13,8% một năm từ ngày 7/11. Tương tự, TCBS cũng đã nâng biểu phí lãi suất trong hạn một năm lên 14% với mức lãi suất quá hạn là 20%/năm áp dụng từ 7/11.
Cũng từ ngày 7/11/2022, mức lãi suất áp dụng đối với sản phẩm Margin T14 của ACBS sẽ được điều chỉnh tăng đối với khoản vay trong 14 ngày đầu tiên, từ mức 4,5%/năm lên mức 6%/năm. Kể từ ngày 15 trở đi, mức lãi suất được giữ nguyên ở mức 14%/năm. Đối với các khoản vay cũ phát sinh trước ngày 7/11/2022, ACBS vẫn áp dụng chính sách lãi suất hiện tại.
Trước đó, SSI đã thông báo tăng lãi suất cho vay từ 11,88%/năm lên 13,5%/năm (biểu 360 ngày) áp dụng từ ngày 1/11. Trong khi đó, Yuanta Việt Nam cũng mới thông báo sẽ thay đổi lãi suất cho vay margin và ứng trước tiền bán mức 12%/năm lên 13,5%/năm (biểu 365 ngày) kể từ ngày 10/11 tới đây.
Thực tế, lãi suất cho vay margin đã bắt đầu tăng từ khoảng 1-2 tháng nay theo diễn biến lãi suất ngân hàng với mức tăng phổ biến từ đáy là 1-1,5%. Điển hình như Chứng khoán HSC cũng điều chỉnh lãi suất cho vay trên tài khoản giao dịch cổ phiếu lên 14,5%/năm và được áp dụng từ 5/10. Trước đó, VDSC đã tăng lãi suất sản phẩm margin thông thường từ 12,41%/năm lên 13,5%/năm áp dụng từ ngày 3/10... FPTS cũng đã nâng loạt lãi suất cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán từ 12,04%/năm lên 13,14%/năm kể từ ngày 24/10.
Có thể thấy, mặt bằng lãi suất cho vay margin đã tăng đáng kể so với mức 9-11% trong giai đoạn thị trường giao dịch bùng nổ cách đây một năm. Chỉ một số ít CTCK đứng ngoài xu hướng trên như Pinetree vẫn đang cố gắng duy trì lãi suất ở mức thấp 9%/năm, ít nhất đến cuối năm nay. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng CTCK này cũng sẽ phải nhập cuộc nếu lãi suất tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Hụt thu từ cho vay
Động thái đồng loạt tăng lãi suất của các CTCK diễn ra trong bối cảnh dự nợ cho vay margin toàn thị trường bất ngờ tăng trở lại trong quý 3 vừa qua. Theo ước tính, dư nợ cho vay của các CTCK tính tới cuối quý 3/2022 vào khoảng 165.000 tỷ đồng (~6,8 tỷ USD), tăng khoảng 15.000 tỷ so với quý trước, chưa tính cho vay 3 bên. Trong đó, dư nợ cho vay margin ước tính vào khoảng 153.000 tỷ đồng, còn lại là ứng trước tiền bán.
Đáng chú ý, dư nợ margin tăng hàng chục nghìn tỷ nhưng các CTCK lại hụt thu từ hoạt động cho vay trong quý vừa qua. Theo thống kê, lãi từ cho vay và phải thu của 45 CTCK trong quý 3 đạt gần 4.300 tỷ đồng, giảm 320 tỷ đồng so với quý trước. Đây là quý thứ 2 liên tiếp nhóm CTCK ghi nhận sự sụt giảm từ nguồn thu này. Trong quá khứ, lãi từ cho vay và phải thu thường tỷ lệ thuận với dư nợ margin tại các CTCK.
Theo một số chuyên gia, sự lệch pha trong quý 3 vừa qua có thể đến từ việc margin duy trì ở mức thấp trong phần lớn thời gian của quý do tâm lý thận trọng của phần đông các nhà đầu tư (cá nhân chiếm chủ yếu) nhưng bất ngờ tăng mạnh vào thời điểm cuối quý bởi các hoạt động đi vay của lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông lớn để bù đắp sự thiếu hụt nguồn vốn do siết chặt quản lý trái phiếu và room tín dụng hạn chế.
Theo ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC, ước tính có trên dưới 20.000 tỷ margin được tăng thêm do các thương vụ cổ đông lớn/lãnh đạo doanh nghiệp trong quý 3 vừa qua. Hiện tại, nguồn tiền của các CTCK còn khá nhiều và chuyên gia này cho rằng xu hướng trên sẽ vẫn có thể tiếp diễn trong quý 4.