Cuộc thăm dò hàng năm của AmCham cho thấy, trong khi hầu hết các công ty thành viên vẫn có lãi trong năm 2018, con số báo cáo tăng trưởng doanh thu đã giảm. Dự báo cho doanh thu trong tương lai cũng giảm, làm nổi bật những tác động tiêu cực của thuế quan trả đũa leo thang.
Sự lạc quan trong triển vọng 5 năm "chìm sâu" lần đầu tiên kể từ năm 2015, khi thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc và các chính phủ phải "dò dẫm" theo phản ứng của thị trường.
Các dự báo tăng trưởng doanh thu giảm, sự lạc quan về tương lai mất dần, nhiều công ty dự định đầu tư vào Trung Quốc đã chuyển hướng đầu tư, AmCham cho biết trong một báo cáo về cuộc khảo sát được công bố hôm thứ Tư.
Đây là những kết quả khảo sát trong bối cảnh các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị gặp nhau tại Washington vào tháng 10 trong các nỗ lực giảm leo thang thương mại kéo dài một năm. Với rất ít tiến triển cho đến nay, kỳ vọng của thị trường cho một bước đột phá trong các cuộc thảo luận là không khả quan.
Không có dấu hiệu của một hiệp định thương mại, năm 2019 sẽ là một năm khó khăn; nếu không có thỏa thuận thương mại, năm 2020 có thể sẽ tồi tệ hơn, báo cáo của AmCham cho biết.
3/4 các công ty thành viên của AmCham tham gia khảo sát đều phản đối việc sử dụng thuế quan để xử lý các tranh chấp thương mại.
Cuộc khảo sát được thực hiện trong khoảng thời gian từ 27/6 đến 25/7 - trước khi đợt tăng thuế mới nhất có hiệu lực - và nhận được 333 phản hồi.
Hơn 1/4 số công ty được hỏi cho biết họ đã chuyển hướng đầu tư dự kiến ban đầu vào Trung Quốc sang những nơi khác - tăng 6,9 điểm phần trăm so với năm trước. Đông Nam Á là điểm đến hàng đầu, tiếp theo là Ấn Độ.
Chuyển hướng đầu tư chủ yếu là trong lĩnh vực công nghệ, phần cứng, phần mềm và dịch vụ, chiếm 40% theo khảo sát.
Thêm vào đó, xu hướng giảm đầu tư đã tăng trong năm 2019, đè nặng áp lực lên nền kinh tế Trung Quốc, tăng trưởng trong quý II đang ở mức chậm nhất trong gần 30 năm qua.
Cuộc khảo sát cho thấy số lượng công ty dự định tăng đầu tư giảm 14,4 điểm phần trăm và số lượng công ty dự định giảm đầu tư tăng 12,2 điểm phần trăm so với năm 2018.
Sự ảm đạm đã "lấy đi" một số lượng lớn việc làm. Gần 20% các công ty cho biết họ đã cắt giảm số lượng nhân viên vào năm 2019, so với chỉ 10% vào năm ngoái, trong khi số lượng các công ty đang tăng số lượng nhân viên giảm 17,8 điểm phần trăm.
Bên cạnh cuộc chiến thương mại, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm chạp đã che mờ triển vọng và được coi là thách thức lớn nhất trong giai đoạn 3 đến 5 năm của gần 60% các công ty - tăng 22,5% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, AmCham cho biết cũng có những tín hiệu lạc quan trong kết quả khảo sát, với tham nhũng và gian lận được báo cáo giảm, trong khi chế độ quan liêu của chính phủ và môi trường pháp lý được cải thiện.
Cũng theo khảo sát này, các doanh nghiệp đã "chuẩn bị tinh thần" cho một cuộc chiến thương mại dai dẳng giữa hai cường quốc kinh tế. Trong số những công ty được khảo sát, 35% dự đoán căng thẳng thương mại sẽ tiếp tục trong 1 đến 3 năm nữa, trong khi gần 13% nói rằng nó sẽ kéo dài trong 3 đến 6 năm. Khoảng 17%, thậm chí còn bi quan hơn, dự đoán xung đột thương mại sẽ kéo dài vô tận.