Nhiều doanh nghiệp nổi tiếng sử dụng tâm lý học nhằm kết nối với khách hàng và làm tăng doanh số bán hàng. Dưới đây là một vài mẹo họ sử dụng.
Hương thơm
Mùi thơm giúp trải nghiệm mua sắm thỏa mãn hơn. Hương thơm cũng gợi sự liên tưởng mạnh mẽ. Vài mùi hương đặc trưng cho một số địa điểm, như mùi bệnh viện hay mùi của biền. Vì vậy, các cửa hàng rất có lý khi sử dụng mùi hương để kích thích những cảm xúc tích cực và tăng doanh số bán hàng.
Starbucks dùng hương thơm của "Latte bí ngô đậm đà" trong mùa thu để thu hút khách hàng
Đó là lý do vì sao các chi nhánh của Starbucks đầy ắp hương thơm của "Latte bí ngô đậm đà" trong mùa thu, và hương bánh gừng suốt mùa Giáng sinh. Mùi bí ngô mạnh gợi nhớ những kí ức tươi đẹp về trò chơi "trick or treat" của Halloween hay Lễ Tạ Ơn. Nhưng đó không chỉ là kí ức. Sử dụng hương thơm ngọt ngào đơn giản có thể cải thiện trải nghiệm mua sắm trong các cửa hàng mỹ phẩm như Lush, hay cửa hàng quần đồ lót Victoria's Secret.
Chạm tay vào sản phẩm
Một cửa hàng giữ gìn sản phẩm của mình đến mức ngăn cản khách chạm vào sản phẩm sẽ đánh mất cơ hội. Việc tiếp xúc ảnh hưởng đến nhận biết của khách hàng về sản phẩm, nếu thiếu điều này khách hàng có thể cảm thấy khó chịu.
Apple hiểu điều này hơn bất cứ ai. Các cửa hàng của hãng, với không gian thoáng đãng sạch sẽ, được bày biện phù hợp cho mọi người khám phá sản phẩm ngay trên tay mình. Tương tác xúc giác liên kết chặt chẽ với cảm xúc, không chỉ thúc đẩy khả năng mua sắm mà còn làm tăng mức độ thỏa mãn của khách hàng.
Cảm xúc
Kết nối với cảm xúc của người tiêu dùng là phép màu của ngành bán lẻ. Khách hàng tìm kiếm cảm xúc một cách vô thức khi họ nghĩ về một sản phẩm.
Bán sản phẩm "tự lắp ráp" có vẻ là một biện pháp đơn giản để cắt bớt chi phí, nhưng với một công ty thì các sản phẩm đó còn thúc đẩy sự cam kết và làm tăng giá trị xúc cảm của khác hàng. Khi người dùng "đổ công sức" vào một sản phẩm (ví dụ lắp ráp nội thất đóng gói của Ikea hay ôm ấp thú bông của Buil-a-Bear), họ sẽ trân trọng chúng hơn. Giá trị này được truyền tải qua thương hiệu và có thể khuyến khích khách hàng mua sắm nhiều lần.
Nói với khách hàng rằng họ được trân trọng là một cách khác. Một lần nữa, Ikea làm rất tốt việc này. Công ty sử dụng giải pháp sáng tạo. Họ xác định những câu hỏi phổ biến trên Internet về chuyện tình cảm và gợi ý hướng giải quyết bằng sản phẩm của hãng. Họ đặt tên cho bộ cốc uống rượu sâm-panh là "Khi bọn trẻ rời nhà", Ikea sử dụng sự hài hước để thể hiện rằng họ thấu hiểu cuộc sống hiện đại.
Thu hút khách hàng trong tiềm thức
Não của chúng ta có nhu cầu làm rõ mọi thông tin ta nhìn thấy. Nếu thông tin không hoàn chỉnh, chúng ta tự động cố gắng lấp đầy phần còn thiếu. Do đó, bằng cách để khuyết thông tin, các công ty có thể khiến người tiêu dùng tham gia vào một quá trình suy nghĩ, và điều này khiến họ nhớ về thương hiệu sau này.
Ví dụ, khi xe Audi A3 ra mắt, tiêu đề của chiến dịch quảng cáo để khuyết vài chỗ trống ở font chữ. Người tiêu dùng buộc phải tham gia vào quá trình suy nghĩ, điều này giúp thương hiệu Audi đọng lại trong tâm trí họ. Phải chăng những gợi ý tinh tế là lý do khiến Audi nổi tiếng? Có thể không hoàn toàn như vậy, nhưng công ty này đã sử dụng những kĩ thuật nhận thức một cách thông minh để đảm bảo rằng khách hàng nghĩ đến họ.
Việc bán hàng thành công cần thu hút người mua bằng mọi phương thức khả thi. Mùi hương, tiềm thức hay cảm xúc là những công cụ kinh doanh thông minh. Một phương pháp đơn lẻ không phải là chìa khóa cho sự thành công của thương hiệu, nhưng nếu các công ty muốn có cơ hội trong thị trường cạnh tranh ngày nay thì họ cần phải tiến vào thị trường với những ý tưởng sáng tạo.