Đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực, trong đó thị trường bán lẻ cũng không phải ngoại lệ. Sau thời gian chịu ảnh hưởng bởi giãn cách, điều tồi tệ nhất có lẽ cũng được phản ánh rõ trong kết quả kinh doanh quý 3/2021 của các doanh nghiệp.
Bên cạnh những doanh nghiệp gặp khó bởi COVID-19, một số "ông lớn" trong ngành bán lẻ vẫn ghi nhận bức tranh kết quả kinh doanh ấn tượng với mức tăng trưởng mạnh nhờ vào việc phát triển những mảng hoạt động khác đem lại nguồn thu lớn.
Sau những quý kinh doanh liên tục bứt phá, quý 3/2021 chính là giai đoạn u ám nhất đối với CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) khi Chính phủ siết chặt các biện pháp chống dịch.
Điều này khiến khiến hơn 80% cửa hàng của PNJ phải đóng cửa, doanh thu cũng giảm mạnh 78% xuống mức 876 tỷ đồng. Doanh thu lao dốc chủ yếu do nguồn thu bán vàng giảm mạnh xuống còn 866 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận 3.943 tỷ đồng.
Điểm sáng quý 3 là doanh thu hoạt động tài chính tăng 4,7 lần lên 3,5 tỷ đồng trong khi các khoản chi phí đều được Công ty tiết giảm đáng kể. Tuy nhiên chi phí hoạt động vẫn ở mức trên 333 tỷ đồng khiến "ông trùm" ngành trang sức ghi nhận lỗ ròng 160 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 202 tỷ đồng. Đây là mức lỗ trong quý cao nhất lịch sử của PNJ.
Từng kỳ vọng chiến lược bán hàng online sẽ "giải cứu" PNJ trước những ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, kênh bán hàng online cũng bị COVID-19 "đè bẹp" do không thể bù đắp khoản thu khi hầu hết cửa hàng đều bị đóng cửa.
Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh thua lỗ tạo áp lực mạnh lên dòng tiền của doanh nghiệp khi dòng tiền kinh doanh âm 607 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 768 tỷ đồng.
Sau một quý kinh doanh đầy giông bão, PNJ vẫn kỳ vọng lợi nhuận năm 2022 tăng trưởng 30% so với năm trước.
Tương tự như PNJ, Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) nhà bán lẻ lớn nhất trong nước cũng ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan với mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Cụ thể, MWG ghi nhận doanh thu thuần hơn 24.333 tỷ đồng, giảm hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hai chuỗi kinh doanh chủ lực của MWG là Thế giới Di động và Điện Máy Xanh đều ghi nhận doanh thu giảm nhẹ do hàng loạt cửa hàng phải tạm đóng cửa do dịch. Riêng chuỗi Bách Hoá Xanh được xem là "gà đẻ trứng vàng" cho MWG trong mùa dịch khi doanh thu tăng trưởng mạnh, song chỉ chiếm 26% trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp này.
Do các chi phí hoạt động và chi phí tài chính tăng mạnh, tập đoàn này báo lãi sau thuế còn 786 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 11 quý gần nhất của doanh nghiệp này.
Theo ban lãnh đạo MWG, tình hình kinh doanh của Công ty bị tác động nghiêm trọng khi chuỗi bán lẻ hàng công nghệ có gần 2.000 cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng và chuỗi Bách Hóa Xanh có 40-50% cửa hàng không thể phục vụ khách đến mua trực tiếp từ 23/8 trở đi.
Trái ngược với hai doanh nghiệp trên, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT) lại có kết quả kinh doanh khá sáng sủa khi doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, doanh nghiệp ghi nhận 4.993 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng đạt hơn 47 tỷ đồng, trong khi quý 3/2020 lỗ ròng gần 6,5 tỷ đồng.
Động lực tăng trưởng phần lớn đến từ chuỗi dược phẩm khi Long Châu ghi nhận doanh thu 2.529 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, doanh nghiệp này đã mở thêm 132 nhà thuốc kể từ quý 3 năm ngoái khi nhu cầu tiêu thụ thuốc tăng lên. Trong khi đó, chuỗi bán lẻ FPT Shop đạt 11.514 tỷ đồng, tăng trưởng 16%.
Về sản phẩm, doanh thu từ laptop tăng mạnh 80% so với cùng kỳ cũng góp phần đáng kể cho đà tăng trưởng của doanh nghiệp. Sở dĩ, kết quả này có được nhờ nguồn hàng phong phú cộng hưởng với nhu cầu sở hữu laptop của người dân tăng cao trong đại dịch.
Quý 3/2021 cũng là một quý kinh doanh "bội thu" với CTCP Thế Giới Số - Digiworld (mã DGW) khi ghi nhận doanh thu đạt 3.825 tỷ đồng, tăng nhẹ so cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt 107 tỷ đồng, tăng trưởng 43%.
Kết quả khả quan này có được là do hầu hết các mảng kinh doanh đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Điển hình nhất là mảng hàng tiêu dùng, chủ yếu là nhờ vào các sản phẩm chống dịch được DGW thêm vào như: Bộ kit xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 , bộ trang phục chống dịch (găng tay, khẩu trang, tấm chắn giọt bắn),... giúp doanh thu tăng 98% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, mảng máy tính cũng ghi nhận doanh thu tăng trưởng 46%, đạt 1.854 tỷ đồng. Đây là nhóm hàng hóa có nhu cầu tiêu thụ cao với xu hướng "học tập và làm việc tại nhà" khi dịch Covid 19 bùng phát mạnh mẽ.
Đánh giá về triển vọng ngành bán lẻ trong thời gian ngắn hạn, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, sự phục hồi của ngành bán lẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trước diễn biến dịch bệnh hiện tại. Lý do bởi ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát và nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội thì các mặt hàng kinh doanh như trang sức (PNJ) hay đồ điện tử/điện lạnh (MWG) sẽ không thể có sự hồi phục ngay tức thời mà sẽ cần thời gian.
Tuy vậy, trong trung và dài hạn, ngành bán lẻ được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng tốt. Bởi lẽ sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch giúp các yếu tố vĩ mô trở nên tích cực hơn, trong đó bao gồm mức thu nhập của người tiêu dùng sẽ là một động lực tăng trưởng lớn cho ngành bán lẻ về dài hạn.
Về xu hướng dài hạn, hành vi của người tiêu dùng có thể sẽ được dịch chuyển sang hình thức online, đây hứa hẹn sẽ là một kênh bán hàng tiềm năng cho các doanh nghiệp bán lẻ.