Có những quy hoạch rất lạc hậu so với thực tế, có những chính sách chưa minh bạch... Đây là đánh giá chung của các đại gia thuộc khu vực kinh tế tư nhân tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 , ngày 2-5. Diễn đàn do Văn phòng Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức.
Kỳ thị với… công nghệ
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong phiên thảo luận chuyên đề Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sáng 2-5 nhận xét: Quy hoạch dệt may của Việt Nam đã lạc hậu vì trong quy hoạch đó chỉ tính tới năm 2020 ngành dệt may đạt kim ngạch 20 tỉ USD, trong khi đến nay ngành này đã đạt 36-40 tỉ USD. Mặt khác, cả những công nghệ về nhuộm cũng bị các địa phương kỳ thị, không nhất quán, lúc đồng ý lúc không.
Từ đó ông Giang kiến nghị Bộ Công Thương phải là trụ cột xây dựng nền tảng chuỗi cung ứng dịch vụ, không để các doanh nghiệp (DN) mạnh ông nào ông ấy làm. “Cuối cùng là vấn đề minh bạch. Các bộ, ngành phải thấm nhuần tinh thần minh bạch này, phải lăn xả với ngành dệt may thì ngành mới phát triển bền vững. Bởi DN Việt Nam đã đủ lực để đầu tư” - ông Giang nói.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, cũng đề cập đến công nghệ nhuộm và kể có một công ty Hà Lan đem công nghệ nhuộm tiên tiến vào Việt Nam. Nhưng có địa phương dứt khoát không cấp phép vì… nhuộm mà lại không có nước thải. Bởi thông thường hiện nay nhuộm là phải có… nước thải mới là nhuộm!
Trao đổi lại với hai ông lớn ngành dệt may Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nói rằng: “Không có vải là vì Hiệp hội Dệt may đang khuyến khích nhập khẩu vải. Nếu nhập thì không phải chịu thuế nhập khẩu, không có thuế giá trị gia tăng (VAT). Nếu dùng vải trong nước thì vừa phải bỏ tiền tươi ra mua vải, vừa nộp luôn VAT. Vậy các DN lựa chọn thế nào?”.
Theo Thứ trưởng Khánh, Bộ Tài chính đã nhìn thấy chuyện này nên đề nghị đánh thuế nhập khẩu đối với vải, các DN phải nộp VAT, khi nào xuất khẩu xong thì mới hoàn thuế VAT. “Không chỉ vải mà thùng carton, cúc, chỉ… cũng trong tình trạng như vậy. Nhưng Hiệp hội Dệt may phản đối” - Thứ trưởng Khánh nói.
Sau khi Thứ trưởng Khánh dứt lời, ông Vũ Đức Giang tranh luận lại ngay. “Thứ trưởng Khánh nói đúng về thuế. Nhưng về VAT chẳng hạn, DN sẵn sàng ngay song khi nào được hoàn lại thì là vấn đề. Mọi chi phí như điện, vận tải, nước… đều tăng nhưng giá sản phẩm dệt may thì vẫn thế” - ông Giang nói.
Ông Giang vẫn cho rằng nút thắt nằm ở thể chế, ở cách hiểu về đầu tư cho các khâu của ngành dệt may từ Chính phủ cho đến các địa phương chưa thống nhất.
Thủ tướng tham quan triển lãm của các doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: VGP
Vướng từ lúc khởi nghiệp
Là người ủng hộ cái mới, xu hướng khởi nghiệp sáng tạo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung nhìn nhận từ khi start-up khởi sự kinh doanh thì đã gặp vướng mắc. Ví dụ, công ty khởi nghiệp còn “chưa biết làm gì” thì Nhà nước lại bắt đăng ký cụ thể.
“Một mô hình kinh doanh du lịch nhỏ phải xin phép sáu tháng, đi đến đâu vướng đến đấy, ngăn cản đổi mới sáng tạo. Ứng xử với nó, theo tôi là đừng lo quản lý, cứ để dân làm. Không phải Nhà nước biết đến đâu quản đến đó, mà quản lý phải vì phát triển. Start-up sẽ tin rằng khó khăn của mình sẽ được giải quyết” - ông Cung bày tỏ.
Nhiều đại gia thuộc khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam như FPT, TH True Milk, Vina Capital, CMC… cũng kiến nghị Nhà nước tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tư nhân phát triển. Đơn cử, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách VinFast - ông Võ Quang Huệ nhận định rằng khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam đang ngày càng phát triển và đóng góp tới 40% tổng GDP. Các DN tư nhân có thể đóng góp hơn nữa cho GDP nếu thể chế về đầu tư, kinh doanh được cải cách.
Từ thực tế của VinFast, ông Huệ đề nghị cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ tư nhân đầu tư vào công nghệ cao, R&D và các hoạt động chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó là những vấn đề về nhân lực, kết nối và thúc đẩy công nghiệp phụ trợ.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Trường Hải (THACO) Phạm Văn Tài thì cho rằng trong bối cảnh hội nhập, tư nhân trong nước, cụ thể là tập đoàn của ông phải cạnh tranh rất gay gắt.
Ông Tài kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội chính sách không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện phụ tùng sản xuất trong nước nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ và giảm giá thành. Đồng thời, cũng cần có hậu kiểm để các DN trong lĩnh vực này được hưởng ưu đãi khi có tỉ lệ nội địa hóa đạt tối thiểu 40%.
Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC:
Doanh nghiệp cần nỗ lực cách tân
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ và cá nhân tôi trên cương vị Thủ tướng đã liên tục động viên tư nhân khởi nghiệp, nuôi dưỡng khát vọng lớn trong phát triển; kiến tạo các lĩnh vực dựa trên động viên nguồn lực từ các DN tư nhân trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau từ sâm Ngọc Linh đến tôm công nghệ cao, ngành gỗ, ngành lúa gạo, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô… Tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những DN có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
DN cần có chí tiến thủ, không bằng lòng với hoàn cảnh đang có mà xông xáo tìm kiếm và nắm bắt cho bằng được các cơ hội do công nghệ và thị trường mang lại. Nỗ lực tìm kiếm công nghệ mới, thị trường mới, nguyên liệu mới, đổi mới tổ chức, đổi mới quản lý được gọi tổng quát là cách tân, một tố chất quan trọng của nhà DN.
Trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh - đó là những tố chất cần thiết, phổ biến của nhà DN của tất cả các nước. Riêng đối với Việt Nam, một nước còn ở giai đoạn phát triển trung bình, cần thêm một yếu tố là lòng yêu nước, là ý thức góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh.
Các nhà DN cần đề cao triết lý kinh doanh vì xã hội, vì đất nước, vì tương lai dân tộc.
Không còn sợ mang tiếng chệch hướng
Tôi nhớ năm 2003, một vị lãnh đạo cấp khá cao thậm chí không dám đến thăm DN tư nhân vì sợ mang tiếng chệch hướng. Nhưng hôm nay, chúng ta ở đây cùng nhau bàn thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.
Nhưng muốn phát triển nền nông nghiệp vững mạnh, có khả năng cạnh tranh cao trong giai đoạn mới thì không chỉ phát huy vai trò kinh tế hộ như đã làm thời gian qua mà cần phát triển vai trò hạt nhân là các DN, chủ yếu là DN tư nhân.
Ông CAO ĐỨC PHÁT, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương