Một nghiên cứu của The Economist Intelligence Unit cho thấy Việt Nam và Malaysia có thể hưởng lợi nhiều nhất trong dài hạn từ Chiến tranh Thương mại Mỹ - Trung Quốc bất chấp việc các doanh nghiệp Mỹ không rút khỏi Trung Quốc như người ta dự đoán. Đây là hai quốc gia có cơ sở hạ tầng vững chắc nhằm hỗ trợ các hoạt động phân phối và có vị trí tốt trong các hoạt động sản xuất chi phí thấp với lĩnh vực công nghệ thông tin cũng như các cấu kiện.
Thái Lan cũng có tiềm năng mở rộng vai trò của mình như một trung tâm sản xuất dựa vào kinh nghiệm của họ trong lĩnh vực điện tử cũng như những nỗ lực của chính phủ trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng quốc gia.
Chiến tranh Thương mại leo thang không khiến các công ty Mỹ lo sợ như dự đoán. Chris Rogers, chuyên gia phân tích tại Panjiva, một công ty chuyên về dữ liệu chuỗi cung ứng và là một phần của S&P Global Market, nhận thấy: "Rất nhiều công ty nói về việc thay đổi nhưng họ không tích cực thực hiện điều đó".
"Các doanh nghiệp dường như không có bất cứ sự thay đổi nào nhất là khi họ vẫn ngóng chờ vào cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng này ở Argentina bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20. Tôi cũng chưa thấy bất cứ doanh nghiệp lớn nào của Mỹ rời nhà máy sản xuất khỏi Trung Quốc", Rogers cho hay.
Việt Nam nằm trong nhóm hưởng lợi nhiều nhất từ Trade War.
Nhiều người hy vọng cuộc gặp bên lề G20 sẽ tác động mạnh tới căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế nhất thế giới, bắt nguồn từ việc Mỹ đánh thuế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Hiện tại, lượng hàng hóa bị đánh thuế đã lên tới 250 tỷ USD. Ông Trump đe dọa nếu cuộc gặp với ông Tập không hiệu quả, Mỹ sẽ đánh thuế nốt lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc có trị giá 260 tỷ USD còn lại.
Khi Mỹ bắt đầu đánh thuế, nhiều nhà phân tích cho rằng các công ty Mỹ sẽ đẩy mạnh các hoạt động sản xuất ngoài Trung Quốc. Chi phí lao động ở Trung Quốc tăng cao, nhiều công ty, bao gồm cả một số công ty Trung Quốc, hướng tới Đông Nam Á như là một trung tâm sản xuất mới của thế giới. Tuy nhiên, việc đó không đồng nghĩa với các hoạt động chuyển dịch sản xuất khỏi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Nick Marro, chuyên gia phân tích của The Economist Intelligence Unit, tại Hồng Kông cho hay, thay vì đầu tư mở rộng vào các nhà máy ở Trung Quốc, một số công ty nước ngoài chọn cách đầu tư nhiều hơn vào các nước khác, chẳng hạn như Việt Nam.
Người phát ngôn Phòng Thương mại Mỹ tại Bắc Kinh cũng nhấn mạnh rằng các công ty Mỹ đang ở lại Trung Quốc nhưng họ đang tìm cách đa dạng hóa thành phần của các sản phẩm. Hai phần ba trong số những công ty được hỏi trong cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ cho biết họ không di chuyển nhà máy hoặc xem xét một động thái tương tự.
Cụ thể, chỉ 13 trong số 430 doanh nghiệp được hỏi xem xét việc rời khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, thay vì chọn trở về Mỹ, họ để mắt tới Đông Nam Á như điểm đến hàng đầu. Dẫu vậy, những doanh nghiệp này cho biết quá trình chuyển đổi có thể diễn ra chậm trong khi các chuyên gia ước đoán nó sẽ kéo dài trong khoảng 3 tới 5 năm.
Ông Marro nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ không thấy một cuộc tháo chạy của các công ty Mỹ khỏi Trung Quốc. Họ đã có mặt ở Trung Quốc rất nhiều năm và đang hướng tới việc giành thị phần ở thị trường lớn nhất hành tinh này.