Tăng trưởng khủng giữa bão dịch Covid-19
"Người ta có thể không mua ô tô trong 10 năm, không mua sắm quần áo trong 3 năm nhưng không thể không ăn uống trong 3 ngày" - bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang đã nhận định như vậy khi nói đến cơ hội của ngành nông nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 đã khiến nhiều ngành kinh tế đóng băng trên toàn cầu.
Và thực tế, câu chuyện vượt khó của nhiều doanh nghiệp cho thấy, không phải không tìm thấy cơ hội ngay cả khi dịch Covid-19 lan rộng tới Mỹ và EU, trước khi hoành hành ở Trung Quốc, vốn là những thị trường xuất khẩu chủ lực của nông sản Việt.
Nafoods vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng 40% trong dịch Covid-19. Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường tham quan dây chuyền chế biến chanh leo của Nafoods Sơn La. Ảnh: Lê Bền.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nafoods cho biết, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Nafoods chịu tác động lớn bởi dịch Covid-19 cả về mặt vốn, vận tải, thị trường khi chuỗi giá trị của doanh nghiệp trải rộng ở nhiều vùng sinh thái, từ Sơn La, Nghệ An đến Tây Nguyên, thậm chí cả Lào và Campuchia.
"Trong bối cảnh đó, lãnh đạo tập đoàn đã viết tâm thư gửi cán bộ, công nhân viên, mong mọi người chia sẻ khó khăn, đồng thời cố gắng bằng 200% sức lực để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Chúng tôi cũng đồng thời gửi thư đến từng khách hàng để cùng thấu hiểu, chia sẻ khó khăn. Nafoods cũng trang bị hệ thống phòng dịch, khử khuẩn để đảm bảo cho công nhân làm việc, với phương châm Nafoods là một pháo đài, mỗi cán bộ, nhân viên là một chiến sĩ trong cuộc chiến phòng chống Covid-19" - ông Hùng nói.
Nhờ chủ động các giải pháp mà trong 3 tháng đầu năm 2020, Nafoods vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 40%.
Tương tự như vậy, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh coi đại dịch Covid-19 là cơ hội để cải tổ lại doanh nghiệp. Đã có gần 20 năm làm việc trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thực phẩm (tiêu, cà phê, quế, hồi,...), Phúc Sinh chủ động đa dạng hóa thị trường, hướng đến những đối tượng khách hàng vừa và nhỏ ở khắp nơi trên thế giới; liên kết trực tiếp với nông dân để sản xuất bền vững.
"Nhờ vậy, dù dịch Covid-19 xảy ra nhưng chúng tôi vẫn tăng sản lượng xuất khẩu 120 - 130%, công nhân vẫn phải làm 1-2 ca để đảm bảo sản lượng xuất khẩu. Do chủ động áp dụng công nghệ, xây dựng các hệ thống phần mềm quản lý từ rất sớm nên khi dịch xảy ra, công ty hoàn toàn không bị động khi chuyển sang làm việc online" - ông Thông cho biết.
Trong khi đó, ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, 1.000 cán bộ, công nhân viên của tập đoàn vẫn đảm bảo có việc làm, lương, thưởng đầy đủ và được di chuyển vào các trang trại làm việc vì những nơi này điều kiện sát trùng, khử khuẩn khá tốt.
Mỗi tháng, Hùng Nhơn vẫn tung ra thị trường hàng trăm tấn hàng và 28.000 con heo thương phẩm.
Cần trợ sức về vốn
Mặc dù có nhiều cách để vượt qua bão dịch Covid-19 nhưng theo khảo sát của VIDA, có đến 80% doanh nghiệp được hỏi khẳng định có thiệt hại kinh tế đáng kể do tác động của dịch bệnh. Tỷ lệ sụt giảm doanh thu quý I/2020 trung bình giảm 30-50%, cá biệt một số doanh nghiệp giảm tới 70% doanh thu so với giai đoạn trước dịch.
Tập đoàn Phúc Sinh liên kết trực tiếp với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu để đảm bảo tính bền vững. Ảnh: I.T
Áp lực về tài chính, lãi vay đang là gánh nặng với doanh nghiệp trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn phải duy trì các chi phí cố định nhưng doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Lượng hàng tồn lớn dẫn tới tăng chi phí lưu kho bãi, chi phí bảo quản.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận một thực tế, trong bối cảnh này, gần như các doanh nghiệp đều thiếu vốn. "Tuy nhiên, con số mấy trăm ngàn tỉ từ gói hỗ trợ của Chính phủ rất khó để xuống được các công ty như chúng tôi. Đơn hàng có, nguyên liệu có, giá nguyên liệu đang rẻ nhưng khi đặt vấn đề thì tất cả ngân hàng đều rất khó tiếp cận” - ông Hùng nói.
Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, các ngân hàng đều ở tâm lý lo sợ, không dám cho vay vì lo ngại khi hết dịch rồi, nếu doanh nghiệp không trả được nợ, họ sẽ phải gánh trách nhiệm.
Ông Hùng cũng đề xuất ngành chức năng cần tăng cường xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Quốc để mở toang cánh cửa vào thị trường này bởi dịch Covid-19 ở đây đã tạm yên, đã đến lúc sức mua của người dân tăng trở lại.
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VIDA, ngành nông nghiệp rất may mắn là trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều cần vì là hàng thiết yếu. “Vì vậy, dù dịch Covid-19 có ảnh hưởng đến lưu thông thì vẫn phải xác định đây chính là cơ hội của nông nghiệp Việt Nam. Nếu có những biện pháp thông minh, sáng tạo, có ý chí, bản lĩnh thì không những duy trì được sản xuất mà còn vươn lên vị trí mới” - ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.
Ông Trương Gia Bình khuyến nghị các doanh nghiệp của VIDA tăng cường kết nối với nhà mua trong trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà mua lớn (Central Group, AEON, Vincommerce) thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua kênh siêu thị và hệ thống cửa hàng tiện lợi khắp cả nước
Hợp tác với một số sàn thương mại điện tử (Sendo) cung cấp giải pháp tiêu thụ nông sản qua kênh online giữa bối cảnh dịch bệnh người tiêu dùng hạn chế tới các cửa hàng offline.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), dịch Covid-19 đã khiến cơ cấu thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam có sự đảo chiều, trong đó chiếm thị phần lớn nhất là Mỹ 23%, tiếp đến là Trung Quốc 21,4%, sau đó đến EU, Hàn Quốc. Trong 3 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 9,06 tỉ USD, tương đương cùng kỳ năm 2019. Ông Toản dự báo, thị trường nông sản tại Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh vào tầm tháng 5. Thị trường Mỹ, EU dự báo sẽ khôi phục và xuất khẩu mạnh mẽ vào khoảng tháng 7-8. |