Tại TP.HCM, hầu hết ở khu chế xuất, khu công nghiệp như: Tân Thuận, Tân Tạo, Linh Trung, Bình Chiểu, Vĩnh Lộc, nhiều DN tiếp tục treo băng rôn, dán thông báo tuyển lao động với số lượng lớn, có khi đến cả ngàn người. Mức lương được DN thông báo dao động từ 7,5 - 17 triệu đồng/ tháng cùng nhiều ưu đãi như thưởng cá nhân, bao cơm trưa, hỗ trợ tiền nhà trọ, môi trường làm việc tốt…
Doanh nghiệp ở Bình Dương đặt bàn tuyển dụng ngoài đường Ảnh: H.C
Anh Phạm Thanh Hải, cán bộ tuyển dụng Công ty CP thực phẩm Cholimex cho biết công ty có nhu cầu tuyển dụng hơn 1.000 lao động từ 18-42 tuổi ở các vị trí như nhân viên chế biến, kiểm hàng, bán hàng… với mức lương 9 triệu đồng trở lên. Ngoài lương, công ty có nhiều chính sách hấp dẫn đối với người lao động như: hỗ trợ tìm nhà trọ cho công nhân ở xa, hỗ trợ tiền cho người mắc COVID-19, thưởng năng suất chuyên cần, đảm bảo chế độ du lịch, nghỉ mát hàng năm.
Nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai thông báo tuyển dụng Ảnh: M.T |
Tuy đăng thông tin tuyển dụng từ dịp Tết để tuyển khoảng 300 lao động nhưng bà Phạm Thanh Thảo, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH may mặc T.P (TP.HCM) thừa nhận, rất khó để tuyển đủ người. “Rất nhiều lý do chính đáng để lao động nói lời chia tay với công ty như sợ dịch bệnh; đã tìm được việc làm phù hợp ở quê; nhà neo người nên không trở lại thành phố nữa… Chúng tôi đã về tận một số địa phương như Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi; liên hệ với các trung tâm giới thiệu việc làm; kết nối với đơn vị môi giới lao động… nhưng vẫn tuyển được rất ít công nhân” - bà Thảo cho hay.
Theo ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, trong quý I/2022 thành phố cần tuyển từ 43.000 - 57.000 lao động. Ngoài lao động làm việc toàn thời gian, các DN cũng cần lượng lớn lao động bán thời gian. Theo ông Triết, thực tế hiện nay không ít DN trên địa bàn TPHCM đang khó tuyển được đủ số lượng theo yêu cầu. Tại Đồng Nai,ông Nông Văn Dũng, Phó giám đốc Sở LĐ,TB-XH Đồng Nai cho biết, các doanh nghiệp đang cần khoảng 50 ngàn lao động.
Còn tại tỉnh Bình Dương, những ngày qua, trên các tuyến đường quanh khu công nghiệp như Kim Huy, Sóng Thần, Đại Đăng…, nhiều doanh nghiệp kiên trì đặt bàn ngoài đường, bố trí nhân sự để tuyển dụng công nhân. Mức lương được doanh nghiệp công khai trên bảng tuyển dụng từ 6 đến 12 triệu đồng/tháng. Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lao động nhiều như: Giày da, dệt may, điện tử, gỗ, thực phẩm, thương mại dịch vụ.
Ông Nguyễn Lâm, Giám đốc Công ty Sản xuất - Thương mại Bình Dương cho biết thêm, hai năm trở về trước, mức lương bình quân của người lao động ở công ty khoảng 4 đến 5 triệu đồng, nếu tính cả tăng ca khoảng 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, năm nay công ty tăng lương trung bình từ 6 đến 7 triệu đồng, cộng tiền tăng ca mỗi tháng công nhân nhận từ 10 đến 12 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Sang (quê Thanh Hóa) cho biết: “Tôi thấy bây giờ đi xin việc rất dễ. Tôi từ quê vào Bình Dương nhờ người quen xin việc, dù chưa đủ hồ sơ xin việc theo quy định nhưng vẫn được nhận làm. Đại diện công ty nói cứ vào làm và hoàn thiện hồ sơ sau. Doanh nghiệp đối xử với người lao động dễ chịu hơn trước rất nhiều, tôi cảm thấy được trân trọng”.
Tại KCN Amata (Đồng Nai) hiện có hàng trăm doanh nghiệp treo bảng tuyển dụng lao động với các điều kiện lương, thưởng hấp dẫn. Đứng trước bảng tuyển dụng, chị Đinh Tuyết Mai (quê Đồng Tháp) cho hay: “Công ty nào cũng đưa ra chế độ tốt nhưng tôi sẽ chọn vào doanh nghiệp có các đãi ngộ rõ ràng, thưởng tết ổn định”.
Theo chuyên gia tâm lý, thạc sĩ Vũ Thiên Vương, tiền lương hàng tháng của người lao động có thể năm sau cao hơn năm trước nhưng mức chi tiêu của họ cũng luôn biến động. Người lao động phải chi trả khá nhiều khoản tiền cho các nhu cầu như thuê nhà ở, ăn uống, đi lại, nuôi con, chăm sóc y tế, lo chuyện hiếu hỷ, ngoài ra không ít người phải gửi tiền hàng tháng về quê hỗ trợ gia đình. Do đó, theo ông Vương việc đảm bảo các nhu cầu trước mắt, khó giữ chân người lao động lâu dài. Người lao động chỉ gắn bó khi có nơi an cư.