Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, chính quyền Trung Quốc và các công ty lớn đã khuyến cáo người dân nên ở nhà. Các trung tâm mua sắm, nhà hàng đều vắng lặng, công viên giải trí, rạp chiếu phim đều đóng cửa, việc di chuyển không cần thiết đều bị cấm.
Dù hiệu quả đối với kế hoạch ứng phó, nhưng đây cũng là yếu tố gây cản trở hoạt động kinh doanh. Rất nhiều lớp học tại một trường đào tạo về mã hoá và robot ở Hàng Châu bị huỷ bỏ, nhân viên ở đây sẽ mất 30-50% lương. Công viên giải trí ở Chu Hải đóng cửa, nhân viên đều đã sử dụng hết số ngày phép và giờ đây họ phải nghỉ không lương.
Jason Lam - một đầu bếp tại một nhà hàng cao cấp tại khu Tsim Sha Tsui, Hồng Kông, đã xin nghỉ việc. Anh chia sẻ: "Một tuần nghỉ phép không lương thực sự rất khó khăn đối với tôi. Tôi không có đủ tiền để trang trải chi tiêu trong tháng này."
Trên khắp Trung Quốc, các công ty đều thông báo với các nhân viên rằng họ không đủ tiền để trả lương, hoặc không trả đủ lương cho các nhân viên đang trong thời gian cách ly, chưa quay trở lại làm việc. Hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định có bao nhiêu người phải chịu cảnh sống không lương do sự bùng phát của Covid-19. Tuy nhiên, trong một cuộc khảo sát được thực hiện bởi trang web tuyển dụng Zhaopin với sự tham gia của 9.500 người lao động, thì hơn 1/3 trong số đó đều biết rằng họ sẽ không nhận được lương ở thời điểm này.
Việc hoãn hoặc không trả lương cho nhân viên là một chi tiết rõ ràng hơn về tác động kinh tế mà khu vực tư nhân của Trung Quốc gặp phải - vốn đã có nhiều biến động và đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ. Ngoài ra, điều này cũng cho thấy đất nước tỷ dân không chỉ đối mặt với sự căng thẳng từ những rủi ro trong lĩnh vực y tế, mà còn trong ngành tài chính đi kèm với tình trạng cắt giảm việc làm và bất ổn về vấn đề tiền lương.
Hoạt động tuyển dụng bị dừng lại hoàn toàn là điều không có thể dự đoán. Zhaopin ước tính, số lượng hồ sơ xin việc được nộp trong tuần đầu tiên sau khi Covid-19 bùng phát vào tháng 1 giảm 83% so với năm trước đó.
Edgar Choi cho biết, theo luật, các công ty phải tuân thủ đúng chu kỳ trả lương đầy đủ vào tháng 2, trước khi giảm lương xuống mức tối thiểu. Choi là tác giả của cuốn "Commercial Law in a Minute" và chủ một tài khoản tư vấn pháp lý trên WeChat. Đối với các công ty không đủ khả năng trả lương cho nhân viên, thì họ có thể hoãn thời hạn trả lương, miễn là đảm bảo sau này nhân viên sẽ nhận được khoản tiền đó.
Choi chia sẻ, ông thấy hàng nghìn nhân viên nước ngoài nói rằng khoản lương của họ bị giảm đến 1 nửa trong tháng này hoặc bị tạm dừng trả hoàn toàn. Theo ông, việc này là bất hợp pháp.
NIO - nhà sản xuất ô tô điện có trụ ở Thượng Hải, gần đây đã thông báo trả lương chậm 1 tuần. Chủ tịch của công ty - William Li, cũng khuyến khích các nhân viên nhận khoản cổ phiếu hạn chế thay cho tiền thưởng. Tại Foxconn, công nhân quay lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán phải cách ly trong ký túc xá trước khi đi làm. Họ vẫn được trả lương, nhưng chỉ nhận được 1/3 so với khi đi làm.
Chang Shu - kinh tế gia trưởng khu vực châu Á của Bloomberg Intelligence, nhận định rằng, nếu không nhận được đầy đủ lương và không có nơi để chi tiêu, thì người tiêu dùng Trung Quốc sẽ cắt giảm hoàn toàn các khoản chi đối với một số lĩnh vực và họ sẽ có xu hướng né tránh khoản này trong tương lai.
Với lượng hàng tồn kho hạn chế và không sử dụng nhiều công nghệ điều khiển từ xa, nên các công ty nhỏ vốn đóng vai trò làm "nền tảng" cho khu vực tư nhân rộng lớn ở Trung Quốc rất dễ bị tổn hại. Nỗ lực để giúp các công ty duy trì hoạt động, các nhà hoạch địch chính sách đã kêu gọi các ngân hàng nhà nước cung cấp những khoản vay mới mức giá hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp nhỏ.
Trong trường hợp của Pei Binfeng - đồng sáng lập học viện đào tạo mã hoá và robot ở Hàng Châu, sự bùng phát của dịch bệnh khiến họ phải hoãn toàn bộ lớp học trực tiếp đối với học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12. Vì mất doanh thu, nên công ty này sẽ chỉ trả 50% lương cho các giám đốc điều hành quan trọng, 30% cho nhân viên cho đến khi hoạt động kinh doanh được khôi phục.
Rick Zheng - phó tổng giám đốc của công ty giải trí Lionsgate tại Chu Hải, chia sẻ họ phải ngừng hoạt động theo lệnh của chính phủ kể từ cuối tháng 1. Bắt đầu từ tuần tới, một số nhân viên sẽ phải nghỉ phép không lương.
Ở phía đông nam thành phố Phúc Châu, Robert Zhang - một quản lý khách sạn, cho biết trong số 100 phòng thì chỉ có trung bình 2-3 phòng có khách thuê. 2/3 nhân viên đều nghỉ phép, nhận được một khoản lương nhưng không nhiều như khi đi làm. Zhang nói: "Hoạt động kinh doanh không có thì lương dựa trên hiệu suất làm việc cũng không có. Trong 1 hoặc 2 tháng thì tác động vẫn chưa thực sự rõ ràng. Nhưng nếu dịch bệnh còn kéo dài và ngành du lịch không sôi nổi trở lại trong 3-4 tháng, thì chúng tôi sẽ gặp khủng hoảng."
Tham khảo Bloomberg