Bộ phận phân tích SSI Research của Công ty chứng khoán SSI vừa công bố báo cáo thị trường tiền tệ tháng 10/2019.
Các đồng tiền trên thế giới hồi phục so với USD
Thị trường tài chính toàn cầu vẫn chịu tác động bởi chiến tranh thương mại Mỹ -Trung, tiến trình Brexit và điều hành lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Dù có những diễn biến đan xen nhưng nhìn chung các biến số này đều khá tích cực trong tháng 10 vừa qua. Cụ thể, Mỹ và Trung Quốc đã thống nhất tạm dừng các kế hoạch nâng thuế sau cuộc gặp 10-11/10 và đang hướng gần đến một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1; thời hạn Brexit cũng được kéo dài thêm 3 tháng, đến 31/3/2019; và FED đã chính thức hạ lãi suất lần thứ 3 trong năm nay, xuống mức 1,5-1,75%/năm.
Cùng với FED, 20 NHTW khác cũng tuyên bố giảm lãi suất trong tháng 10 trong đó hầu hết là lần giảm thứ 3. Không chỉ nới lỏng tiền tệ, một số quốc gia Châu Á như Ấn Độ, Indonesia còn thực hiện nới lỏng tài khóa thông qua giảm thuế để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chỉ số CBOE VIX đo lường mức rủi ro của thị trường toàn cầu giảm thấp cho thấy tâm lý lạc quan đang lan rộng.
Hầu như tất cả các đồng tiền đều hồi phục mạnh so với USD, ấn tượng nhất chính là GBP. Đồng tiền này đã tăng giá tới 5,3% so với USD chỉ trong tháng 10, bù đắp lại toàn bộ phần mất giá từ đầu năm đến nay, chốt tháng ở mức 1GBP tương đương 1,2942- cao hơn so với cuối 2018 tới 1,4%. Thỏa thuận Brexit giữa Chính phủ Anh và EU vào ngày 18/10 đã khiến tỷ giá GBP/USD bật tăng mạnh. Tuy sau đó có điều chỉnh giảm do Quốc hội Anh lại bác bỏ nhưng vẫn giữ ở mức cao do nguy cơ Brexit không thỏa thuận được đẩy lùi đến 31/01/2020 và khả năng cao sẽ có thỏa thuận song phương Anh – Mỹ hậu Brexit.
Trong tháng, EUR cũng tăng giá 2,31% so với USD tuy nhiên tỷ giá EUR/USD vẫn ở mức thấp hơn 2,76% so với cuối 2018, khu vực kinh tế này chưa có dấu hiệu cải thiện, chỉ số PMI tháng 10 vẫn ở mức rất thấp (45,9).
Chỉ số DXY giảm mạnh từ trên 99 xuống 97,2 vào cuối tháng, các đồng tiền của các nước có chịu nhiều ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại như KWR của Hàn Quốc, SGD của Singapore, TWD của Đài Loan… đều hồi phục tốt. Tỷ giá USD/CNY cũng giảm liên tục về sát ngưỡng 7, lấy lại 1,53% giá trị trong tháng 10. Đến thời điểm hiện tại, tỷ giá này đã xuống dưới 7,0 nhờ những tín hiệu tích cực trong quan hệ Mỹ - Trung nhưng yếu tố này rất khó lường, về dài hạn, CNY vẫn chịu nhiều áp lực giảm giá so với USD. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc Q3/2019 chỉ là 6% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua, một đồng CNY yếu hơn sẽ bù đắp những tổn hại trong cuộc chiến với Mỹ và kích thích nền kinh tế tăng trưởng.
Bối cảnh trong nước và quốc tế hỗ trợ VND lên giá nhẹ trong tháng 10
Trong tháng, tỷ giá USD/VND giảm 20đ/USD ở chiều mua vào và tăng 10đ/USD ở chiều bán ra trên ngân hàng, ở mức 23.120/23.270 và không đổi trên thị trường tự do, ở mức 23.180/23.200. So với thời điểm cuối năm 2018, tỷ giá giao dịch USD/VND đã giảm 0,77% trên ngân hàng và 1,24% trên thị trường tự do.
Chênh lệch giữa tỷ giá mua vào và bán ra của ngân hàng lên tới 150 đ/USD, là mức giãn cách cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra vào giữa năm 2018, chênh lệch tỷ giá mua vào – bán ra của các NHTM đã liên tục được nới rộng so với mức trước đó là 70đ/USD. SSI Research cho rằng đây là cách các NHTM giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngoại hối khi bối cảnh quốc tế nhiều biến động khó lường. Tuy nhiên, diễn biến thực tế VND lại khá ổn định. Thêm vào đó, tỷ giá mua vào của NHTM hiện tại thấp hơn rất nhiều so với tỷ giá mua vào của NHNN là 23.200 giữ từ đầu năm đến nay. Nhờ vậy, hoạt động ngoại hối của các 18 NHTM thương mại trong 9 tháng 2019 mang lại thu nhập 6.460 tỷ đồng, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Nguồn vốn FDI giải ngân trong tháng 10 là 2 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư 9 tỷ USD. Việt Nam vẫn nằm trong nhóm nước nhận kiều hối lớn, ước tính trên 10 tỷ USD trong năm 2019. Mặc dù chênh lệch lãi suất VND-USD có lúc chuyển sang âm nhưng nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào, các NHTM tiếp tục bán ngoại tệ về NHNN, ghi nhận tháng thứ 4 liên tiếp NHNN mua vào ngoại tệ. Dự trữ ngoại hối hiện ở mức kỷ lục, trên 73 tỷ USD.
Tỷ giá trung tâm giảm 15đ/USD xuống 23.145đ/USD nhưng vẫn ở mức cao hơn tỷ giá mua vào của NHTM. Tỷ giá này liên tục tăng từ giữa 2018 đến nay và đã vượt qua tỷ giá mua vào của NHTM vào cuối tháng 9. Như vậy, các tỷ giá điểu hành gồm tỷ giá mua vào của NHNN và tỷ giá trung tâm đều đang ở mức cao hơn tỷ giá mua của NHTM. Các nhà phân tích của SSI Research cho rằng, sau đợt bán ngoại tệ 4 tháng đầu năm và đợt vừa qua, trạng thái ngoại tệ của các NHTM sẽ bớt dồi dào, thêm vào đó nhu cầu ngoại tệ có thể tăng lên dịp cuối năm nên tỷ giá USD/VND có thể nhích tăng, tiệm cận về mức 23.200đ/USD.