Hai trong số các trung tâm sản xuất công nghệ quan trọng nhất của châu Á đang phải vật lộn với sự gia tăng đột biến của các ca nhiễm COVID-19. Đặc biệt, điều này sẽ phủ 'bóng đen' lên chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu chip và linh kiện chưa từng có.
Trước làn sóng COVID-19 lần thứ 4, một trong những mối quan tâm hàng đầu vào lúc này của Việt Nam chính là duy trì lĩnh vực sản xuất đồ điện tử. Thời gian qua, Việt Nam đã thu hút loạt ông lớn công nghệ từ Samsung, Apple đến Sharp và LG, từ đó dần trở thành "cường quốc" về sản xuất đồ điện tử. Hãng sản xuất chip máy tính lớn nhất thế giới Intel cũng như một loạt các nhà cung cấp của Apple đã dịch chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam. Điều này dẫn đến đồ điện tử và các linh kiện là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Ban đầu, nhờ phản ứng nhanh chóng của Chính phủ Việt Nam, những tập đoàn công nghệ này đã có thể tiếp tục tung ra các thiết bị điện tử mới trên toàn cầu. Trong cả năm 2020, cả nước chỉ ghi nhận khoảng 1.500 trường hợp mắc COVID-19 và 35 ca tử vong.
Tuy nhiên, giờ đây, Việt Nam đang phải vật lộn với số ca nhiễm COVID-19 tăng chóng mặt tại nhiều tỉnh thành, cũng như những thách thức từ nhiều biến thể và các nguồn lây nhiễm không xác định.
Không giống như những đợt bùng phát trước đây, đợt dịch lần này đã ảnh hưởng ít nhất đến nhà máy của 10 thương hiệu nước ngoài. Các nhà cung cấp của Canon, Apple, Foxconn và Luxshare, cùng 13 nhà cung cấp của Samsung bao gồm cả Hosiden đều đã tạm dừng hoạt động.
Ben Gray, Giám đốc thị trường vốn của Cushman & Wakefield nhận định: "Hầu hết các nhà sản xuất lớn sẽ chỉ dự trữ linh kiện từ 2-3 tuần do chi phí cấp vốn cao và thực tế là thông thường hàng hóa có thể dễ dàng vận chuyển trên toàn cầu. Tuy nhiên đại dịch lần này có thể buộc Samsung phải vận chuyển linh kiện thông qua đường hàng không sang Việt Nam. Trong dài hạn, đây không phải là chiến dịch hiệu quả về chi phí".
Với tầm quan trọng của ngành sản xuất điện tử đối với nền kinh tế, Chính phủ hiện đang rất nỗ lực để giữ cho chuỗi cung ứng trong nước hoạt động trơn tru. Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm thứ Tư cảnh báo rằng các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, nơi có các khu công nghiệp trọng điểm, vẫn có "nguy cơ rất cao" từ dịch bệnh.
Trong khi đó kinh nghiệm phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp còn ít; lực lượng, trang thiết bị, vật tư y tế của hai địa phương còn hạn chế...
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, mục tiêu lớn nhất tại Bắc Ninh, Bắc Giang lúc này là ngăn chặn, đẩy lùi được dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe của người dân, đồng thời bảo đảm sản xuất, kinh doanh không bị đứt gẫy. Do đó, các bộ, ngành và hai địa phương cần cố gắng, quyết liệt, tích cực hơn nữa thực hiện cho bằng được mục tiêu này.
"Để xảy ra dịch bệnh trong các KCN có thể làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Nền kinh tế của đất nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu chúng ta để 'thủng' các KCN", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Cả nước hiện có 369 KCN tập trung, gần 30 khu kinh tế cửa khẩu, khu chế xuất với khoảng 3,8 triệu lao động; chưa kể khoảng 700 cụm công nghiệp đang hoạt động với khoảng 600.000 lao động. Đặc điểm của các nhà máy trong KCN là đông người, phần lớn hoạt động sản xuất trong môi trường kín.
Phó Thủ tướng đề nghị không chỉ TP. Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang mà tất cả các địa phương trên toàn quốc phải chỉ đạo, quán triệt các doanh nghiệp (DN), nhà máy, xí nghiệp, các KCN thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc tự đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh, cập nhật định kỳ lên hệ thống an toàn COVID-19.
"Việt Nam như cánh đồng trũng, bên ngoài sóng to, gió lớn chúng ta phải bao đê cho chặt, chỉ một chỗ rò rỉ, một tổ kiến hổng không bịt kín lại thì có thể làm sập cả đê. Để xảy ra dịch bệnh trong các KCN có thể làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Nền kinh tế của đất nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu chúng ta để 'thủng' các KCN", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.