Dự án cầu Thủ Thiêm 2 được khởi công vào năm 2015, hợp long hồi tháng 9/2021, nhằm nối liền hai bờ sông Sài Gòn từ khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức qua trung tâm Sài Gòn. Nhà thầu hiện tập trung thi công các nhánh cầu phía quận 1, để hoàn thành toàn bộ công trình dịp 30/4 năm nay.
Cầu Thủ Thiêm 2 có vốn đầu tư gần 3.100 tỷ đồng, có điểm đầu tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn (quận 1), sau đó vượt sông Sài Gòn kết nối đại lộ vòng cung (tuyến R1) của Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Dự án thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), do CTCP Địa ốc Đại Quang Minh làm chủ đầu tư. Ban đầu, thành phố dự kiến cầu hoàn thành năm 2018, song gặp nhiều vướng mắc nên lỗi hẹn.
Để kết nối đồng bộ với cầu Thủ Thiêm 2, TP HCM sẽ hoàn thành dự án xây dựng hạ tầng 9 lô đất với tổng vốn đầu hơn 600 tỷ đồng thuộc Khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong năm nay. Công trình triển khai từ tháng 3/2020, làm 6 tuyến đường xung quanh các lô đất, tổng chiều dài gần 1,4 km, rộng 27-36 m và xây dựng đồng bộ hệ thống điện, chiếu sáng, cấp thoát nước...
Dự án sau khi hoàn thành sẽ nâng cao giá trị sử dụng khi đấu giá quyền sử dụng đất, tạo điều kiện đầu tư phát triển Khu đô thị Thủ Thiêm cũng như kết nối đồng bộ với cầu Thủ Thiêm 2 khi đưa vào khai thác. Trước đó, giữa tháng 10/2021, hạ tầng kỹ thuật của 6 lô đất đã cơ bản thi công xong.
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 được khởi công vào năm 2015, hợp long hồi tháng 9/2021
Ngoài các dự án trên, nhiều công trình trọng điểm ở TP HCM đang được đẩy nhanh để hoàn thành năm nay.
Cầu Bưng mới trên đường Lê Trọng Tấn, nối hai quận Bình Tân và Tân Phú, có tổng vốn đầu tư khoảng 515 tỷ đồng, triển khai năm 2017, song vướng mặt bằng nên đình trệ kéo dài. Nhánh 1 của cầu Bưng chính thức thông xe sáng 5/12/2021 nhánh còn lại dự kiến thông xe vào lễ 2/9/2022.
Cầu Bưng mới khi khai thác sẽ thay thế cầu cũ nhỏ hẹp, đã xuống cấp, giúp giải quyết tình trạng ùn tắc tại khu vực và góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, thuận lợi vận chuyển, giao thương hàng hoá cửa ngõ Tây Bắc thành phố. Đồng thời giảm tải áp lực giao thông khu vực cũng như đồng bộ dự án tiêu thoát nước xử lý ô nhiễm tuyến kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên.
Dự án sửa chữa, nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh (huyện Hóc Môn) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM làm chủ đầu tư.
Công trình có chiều dài khoảng 5,3 km với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng được khởi công năm 2018. Dự án có nhiều đoạn mở rộng đường 7-8 m lên 30 m, trải nhựa, lát đá vỉa hè, thi công hạ tầng kỹ thuật.
Đây là một trong những công trình giao thông trọng điểm của TP HCM ở phía tây bắc thành phố, kết nối quận 12 với các huyện Hóc Môn, Củ Chi và nối với tỉnh Bình Dương. Tuyến đường được mở rộng giúp lưu thông hàng hóa giữa TP HCM và Bình Dương được thuận lợi hơn, đồng thời giúp người dân các địa phương trên kết nối nhanh chóng với trung tâm thành phố.
Dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống và cầu Mỹ Thủy 3 cũng sẽ hoàn thành trong năm 2022 giúp giảm kẹt xe, tai nạn, tăng khả năng chuyên chở cho cửa ngõ cảng Cát Lái.
Cầu Mỹ Thủy 3 sớm đi vào hoạt động năm 2022
Trong đó, cầu Mỹ Thuỷ 3 (thuộc dự án nút giao Mỹ Thuỷ) có tổng mức đầu tư gần 57 tỷ đồng, dài 325 m, trong đó phần cầu dài 75 m chia làm hai nhánh, mỗi nhánh rộng 12 m.
Hầm chui trước bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) có chiều dài 670 m, rộng 8 m với vốn đầu tư 75 tỷ đồng hiện cơ bản hoàn thành, dự kiến thông xe trong năm nay.
Công trình nằm trong dự án xây dựng cầu vượt, hầm chui trên xa lộ Hà Nội để kết nối trục giao thông tại Bến xe Miền Đông mới và nhà ga metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), với tổng vốn đầu tư 437 tỷ đồng.
Các công trình này giúp xe băng ngang tuyến chính quốc lộ 1 ra vào Bến xe Miền Đông mới cùng đi thẳng hai chiều theo hướng từ trung tâm TP HCM qua Đồng Nai và ngược lại.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Hòa Bình cho rằng năm 2022 sẽ là một năm cần chuẩn bị triển khai rất nhiều dự án, Ban Giao thông cần xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng dự án giao thông trọng điểm, sắp thứ tự ưu tiên theo dõi giám sát tiến độ.