Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm cơ sở sơ chế cà-rốt của anh Tăng Xuân Trường. Ảnh: Đàm Duy
Theo Bộ Kế hoạch- Đầu tư, đến nay, cả nước có 11.688 HTX nông nghiệp, doanh thu bình quân cả nước của HTX nông nghiệp là 980 triệu đồng/HTX/năm.
Hiện nay có 193 HTX nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao (chiếm 1,65%). Sau khi ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp, nhiều HTX đã cho thấy hiệu quả rất rõ rệt. Số liệu báo cáo từ 55 HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cho thấy doanh thu bình quân hàng năm đạt khoảng 10,3 tỷ đồng/1 HTX, trong khi doanh thu bình quân của HTX trên cả nước chưa đến 1 tỷ đồng. Đây là một yếu tố mà chúng ta cần hỗ trợ, đẩy mạnh, khuyến khích phát triển các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Phát triển HTX đạt được kết quả bước đầu nhưng còn nhiều khó khăn. Thứ nhất, việc tổ chức lại HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012 còn chậm. Đến hết năm 2015, mới có khoảng 29,38% HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 22012, một số HTX đăng ký lại hoạt động còn mang tính hình thức. Thứ hai, phần lớn các HTX nông nghiệp hiện nay chưa có sự thay đổi, tư duy hoạt động còn nặng về hành chính, bao cấp theo phương thức HTX kiểu cũ. Thứ ba, khoảng 60% HTX nông nghiệp mới chỉ tập trung hoạt động đối với các dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như: Cung ứng giống, vật tư, phân bón, bảo vệ thực vật, thủy lợi nội đồng…
Các dịch vụ quan trọng như bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm. Số HTX thực hiện việc bao tiêu nông sản cho nông dân ít, chỉ có khoảng 10% số HTX thực hiện việc bao tiêu một phần nông sản cho nông dân. Thứ tư, HTX nông nghiệp còn lúng túng trong định hướng hoạt động và đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường . Ảnh: Lê Hiếu.
Theo Bộ NNPTNT, sau gần 05 năm triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012, khu vực kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã bước đầu thể hiện chuyển biến về chất lượng, hiệu quả, chứng tỏ ngày càng rõ nét hơn vai trò quan trọng và có ý nghĩa toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội, đã có những tín hiệu mới trong công cuộc phát triển phong trào hợp tác xã toàn quốc. Hiện nay cả nước có 11.668 HTX nông nghiệp; đến nay đã có 38% số HTX hoạt động có hiệu quả (con số này năm 2012 là 10%), doanh thu và thu nhập của người lao động trong HTX được cải thiện, tác động tích cực đến kinh tế hộ thành viên, đóng góp cho tăng trưởng GDP của cả nước, góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
- Tuy nhiên, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng là do các cơ chế chính sách ban hành nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với khu vực này còn hạn chế và hơn hết là bản thân các HTX vẫn còn yếu kém kéo dài, cả về cơ sở vật chất và năng lực quản lý; trình độ tổ chức, năng lực quản lý trong các HTX còn hạn chế; chưa có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
- Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp như:
(1) Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.
(2) Thủ tướng Chính phủ đang xem xét, phê duyệt Đề án “Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác hoạt động hiệu quả đến năm 2020” với các nội dung ưu tiên như đẩy mạnh thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ về làm việc tại HTX, phát triển 1.500 HTX nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng và nhân rộng mô hình HTX liên kết sản xuất tiêu thụ với các doanh nghiệp...
(3) Chính phủ đang xem xét ban hành Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (thay thế Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg), do Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì xây dựng và đã trình Chính phủ; trong đó có cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến khích nông dân, HTX liên kết với doanh nghiệp và các tác nhân khác để giảm chi phí trung gian, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh theo chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm nông nghiệp.
(4) Đối với phát triển HTX nông nghiệp công nghệ: Trước hết tăng cường tập huấn để nâng cao năng lực quản trị của các HTX; đồng thời triển khai liên kết sản xuất giữa các HTX, hộ nông dân, doanh nghiệp để tạo ra chuỗi sản xuất vừa đảm bảo giá trị cao, đồng thời giảm chi phí sản xuất. Bên cạnh đó là hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về đất đai, tín dụng, thuế, nhập khẩu công nghệ… để thúc đẩy hình thành và phát triển HTX nông nghiệp công nghệ giai đoạn 2018-2020.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Lê Hiếu.
Trong khi đó, theo Bộ Công thương,, để xuất khẩu nông sản bền vững, ổn định, hiệu quả và tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định, trong suốt thời gian qua Chính phủ, Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực, kiên trì để mở rộng "sân chơi" cho hàng hóa của Việt Nam, trong đó có nông thủy sản và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
- Trong công tác đàm phán mở cửa thị trường thông qua các FTAs để tạo thuận lợi về thuế quan, quy tắc xuất xứ..., tính đến nay, chúng ta đã đàm phán và ký kết được nhiều hiệp định thương mại tự do FTAs, qua đó tạo ra một khu vực thị trường rộng lớn cho hàng hóa nông sản của Việt Nam có cơ hội được tiếp cận và thâm nhập tốt hơn như các thị trường Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản), thị trường châu Âu và Mỹ, ASEAN... Các FTAs đã có tác động rõ rệt đến xuất khẩu nông thủy sản, trong đó nhiều thị trường có FTAs đã được khai thác tốt, qua đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu tích cực so với trước khi có FTAs .
- Trong công tác đàm phán mở cửa thị trường thông qua tháo gỡ rào cản kỹ thuật và thương mại, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp tích cực với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động nắm bắt tình hình áp dụng các rào cản kỹ thuật, biện pháp bảo hộ mậu dịch của các nước nhập khẩu để đấu tranh có hiệu quả đối với các rào cản bất hợp lýtrong các cuộc họp song phương, phiên họp của các Ủy ban liên Chính phủ, diễn đàn khu vực (ASEAN, APEC) và đa phương (WTO). Mặc dù quá trình đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật và thương mại đối với từng mặt hàng gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian (thường từ 5 - 7 năm/mặt hàng), tuy nhiên tính đến nay, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc mở cửa thị trường, tạo thêm “sân chơi” cho các mặt hàng nông thủy sản.
Cụ thể, ta đã kiện và đã thắng kiện Hoa Kỳ tại WTO trong vụ áp thuế chống bán phá giá bất hợp lý đối với tôm xuất khẩu của Việt Nam; đã hoàn tất việc thâm nhập thị trường mới cho một số trái cây của Việt Nam như thanh long, chôm chôm, nhãn, vải vào Hoa Kỳ; vải, xoài vào Úc; xoài, thanh long vào Nhật Bản, Hàn Quốc, Niu-di-lân; các loại trái cây tươi vào ASEAN, EU, Trung Đông, Đông Âu, Ca-na-đa… Hiện nay, hai Bộ vẫn đang tích cực tiếp tục đàm phán hỗ trợ mở cửa thị trường cho tôm tươi nguyên con vào Úc; thịt lợn vào Trung Quốc, Phi-líp-pin, Xinh-ga-po; thịt gà chế biến vào Nhật Bản; trứng gia cầm muối vào Hồng Kông, Xinh-ga-po; xoài, vú sữa vào Hoa Kỳ; măng cụt, bưởi, na vào Trung Quốc; nhãn, vải, chôm chôm vào Hàn Quốc, Nhật Bản, Niu-di-lân, Bờ-ra-xin, Ác-hen-ti-na…
- Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương trong việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và mở rộng thị trường trong nước thông qua Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 634/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2014) và Kế hoạch tăng cường triển khai thực hiện Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Để tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường, tránh những rủi ro không đáng có, ngoài nỗ lực từ phía các Bộ, ngành cần phải có sự vào cuộc của các doanh nghiệp cũng như người nông dân trong quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Cụ thể:
- Thực hiện tốt công tác tổ chức sản xuất, đảm bảo cung ứng sản phẩm đáp ứng đúng yêu cầu của từng thị trường:
Đây là nhiệm vụ cần có thời gian và sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả trong cơ chế, chính sách và điều hành của các Bộ, ngành... và cũng là nhiệm vụ mang tính căn bản, là điều kiện đủ để có thể khai thác được những thị trường mà ta đã tìm kiếm, đàm phán để mở được. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần phải bám sát và triển khai hiệu quả 3 vấn đề chính, đó là: Quy hoạch - Chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm - và Tổ chức kênh tiêu thụ.
- Về chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm: Hiện nay, trước bối cảnh dư thừa nguồn cung hàng hóa do năng lực sản xuất của tất cả các nền kinh tế đều phát triển (Trung Quốc, ASEAN, Ấn Độ…), sản phẩm nông thủy sản xuất khẩu của Việt Nam ngày càng gặp phải sự cạnh tranh gay gắt tại từng thị trường (kể cả thị trường trong nước và thị trường ngoài nước), do vậy yếu tố tiên quyết chính là phải nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua chất lượng và giá cả để thúc đẩy xuất khẩu bền vững, duy trì và đa dạng hóa được thị trường. Sản phẩm giá trị gia tăng cao, chất lượng tốt sẽ có khả năng thâm nhập, duy trì và phát triển thị trường.
- Về tổ chức kênh tiêu thụ: Mặc dù các Bộ, ngành đã nỗ lực triển khai công tác đổi mới và thúc đẩy phát triển các kênh phân phối hàng hóa theo chuỗi liên kết bền vững, tuy nhiên công tác này vẫn chưa được thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ tại tất cả các thị trường chủ lực và tiềm năng. Theo Bộ Công Thương, để thực hiện hiệu quả vấn đề này trong thời gian tới, cần phải tập trung: (i) Hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại (giao thông, vận tải, logistics...) nhằm tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông hàng hóa; (ii) Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hóa tối đa cho thương mại, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu; (iii) Nghiên cứu xây dựng kho ngoại quan tại các nước nhập khẩu nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp; (iv) hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào các mạng phân phối tại nước ngoài; (v) tổ chức các Hội nghị kết nối cung cầu để thúc đẩy tiêu thụ trong nước, đặc biệt là các nông sản mang tính thời vụ cao...
- Doanh nghiệp trong nước phải tham gia chuỗi giá trị quốc tế, hợp tác với các nhà nhập khẩu của các thị trường đó, đáp ứng những yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn khác. Bà con nông dân cần nâng cao nhận thức, chủ động nắm bắt thông tin, liên kết với doanh nghiệp, sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn, quy định của thị trường nhập khẩu, đảm bảo uy tín chất lượng và sự bền vững cho hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam.