Từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, ngành ngân hàng đã lên kế hoạch thực hiện các gói tín dụng hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng, tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu như là dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, nông nghiệp, vận tải hoặc các doanh nghiệp có quan hệ thương mại lớn với Trung Quốc.
Vào đầu tháng 3, Chính phủ thông báo chính thức có gói tín dụng 250.000 tỷ đồng của các ngân hàng thương mại tham gia cho vay (chứ không phải từ ngân sách nhà nước). Theo đó gói này được hơn 10 ngân hàng đăng ký với Ngân hàng Nhà nước để cho vay với lãi suất ưu đãi từ 0,5 đến 1,5%/năm so với lãi suất thông thường. Khi đó, theo Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước, có các ngân hàng đăng ký với lượng vốn lớn như Agribank 100.000 tỷ đồng, BIDV là 120.000 tỷ đồng, ACB khoảng 35.000 tỷ…còn các ngân hàng khác thì cân nhắc về con số rồi báo cáo sau.
Sau đó ít lâu, NHNN cho biết gói tín dụng đã nâng lên 285.000 tỷ đồng khi có thêm nhiều ngân hàng muốn tham gia, và gần đây Thủ tướng cho biết hiện gói tín dụng của các ngân hàng đã lên tới 300.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên cập nhật của chúng tôi đến thời điểm sáng 17/4 đã có thêm nhiều ngân hàng đưa ra các gói tín dụng khác nhau để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, không chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ mà cả nhóm các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn và cả khách hàng cá nhân, tổng quy mô lên đến hơn 600.000 tỷ đồng – cao gấp hơn 2 lần so với dự tính ban đầu. Lãi suất cho vay cũng giảm sâu hơn so với dự kiến ban đầu, hiện dao động phổ biến từ 1% cho đến 4,5% (mức giảm sâu nhất thuộc về HDBank).
Cụ thể BIDV đang là ngân hàng dẫn đầu với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đăng ký từ ban đầu, cộng thêm 2 gói tín dụng cho khách hàng cá nhân công bố mới đây lên đến 50.000 tỷ đồng, tức tổng cộng các gói là 170.000 tỷ đồng.
Đứng thứ hai là MB với 105.000 tỷ đồng trong đó 30.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân vay, 30.000 cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), và 45.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp lớn và rất lớn (CIB) vay.
Thứ ba là là Agribank với 100.000 tỷ đồng, chủ yếu cho khách hàng vay thuộc lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Vietcombank cũng đã công bố 2 gói tín dụng trị giá lần lượt 30.000 tỷ đồng và gần 42.000 tỷ đồng cho khách hàng vay ưu đãi trong khi VietinBank có gói 60.000 tỷ. Ngoài ra ở Vietcombank còn thực hiện giảm lãi suất đồng bộ cho tất cả các khách hàng bị ảnh hưởng qua 2 đợt với lợi nhuận dự kiến "hi sinh" đến hơn 2.000 tỷ đồng.
Tiếp theo là các gói tín dụng của ACB tổng cộng 35.000 tỷ đồng. Ngân hàng này chia gói tín dụng làm 2 giai đoạn trong đó giai đoạn đầu là 25.000 tỷ và giai đoạn sau là 10.000 tỷ với lãi suất giảm sâu hơn.
Một ngân hàng khác nữa cũng tích cực cho vay ưu đãi với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là Techcombank khi công bố gói tín dụng 30.000 tỷ, trong đó 10.000 tỷ cho khách hàng cá nhân và 20.000 tỷ cho khách hàng doanh nghiệp.
SHB và HDBank mỗi ngân hàng có các gói tín dụng khoảng 25.000 tỷ đồng. Trong đó SHB cho biết để chia sẻ khó khăn với khách hàng sẽ điều chỉnh giảm lợi nhuận ít nhất 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch, bên cạnh việc cắt giảm chi phí hoạt động cũng như lương của cán bộ nhân viên.
Còn HDBank chia nhỏ ra làm nhiều gói tín dụng như 10.000 tỷ đồng cho chương trình bình ổn giá hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm; 5.000 tỷ đồng cho vay khách hàng bổ sung vốn lưu động và trả lương cho cán bộ nhân viên; 5.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp SME; 3.000 tỷ đồng cho vay doanh nghiệp cung cấp thiết bị dược, vật tư y tế; 1.000 tỷ cho chuỗi nông nghiệp nông thôn…
Tại Nam A Bank, ngân hàng này cũng có gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ lưu trú, nhà hàng quán ăn và xuất nhập khẩu. Ngoài ra nếu khách hàng cá nhân cần vay vốn để phục vụ mục đích tiêu dùng, mua xe, mua đất, nhà hoặc xây dựng sửa chữa nhà sẽ được hưởng lãi suất giảm đến 3,1% còn lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn… được giảm 1%/năm.
LienVietPostBank và Sacombank mỗi ngân hàng cũng thông báo triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng trong khi ở TPBank là 12.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi.
Như vậy chỉ tính riêng các ngân hàng nói trên, tổng các gói tín dụng đến thời điểm này đã đạt gần 650.000 tỷ đồng.
Các ngân hàng khác trong hệ thống như VPBank, VIB, Eximbank, Viet Capital Bank …không đưa ra con số cụ thể về các gói tín dụng nhưng cũng có chương trình giảm sâu lãi suất cho khách hàng vay mới, trong đó VIB là ngân hàng đầu tiên công bố giảm lãi suất cho vay sau cuộc họp của Thống đốc NHNN với hơn 20 ngân hàng chiếm 75% tổng dư nợ của nền kinh tế hôm 31/3 còn VPBank đặc biệt chú trọng hỗ trợ đến các nhóm khách hàng bị ảnh hưởng là cá nhân và SME.
Theo dự tính của lãnh đạo các ngân hàng, trong năm nay dịch bệnh Covid-19 sẽ tác động đáng kể lên hoạt động, như 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, theo lãnh đạo NHNN, lợi nhuận năm nay sẽ giảm khoảng 30 – 40% để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng, mà theo tính toán của chúng tôi thì con số lợi nhuận giảm ấy vào khoảng trên dưới 20.000 tỷ đồng. Và hầu hết các ngân hàng đều đưa ra kế hoạch kinh doanh thận trọng, đảm bảo các chỉ số an toàn và đặt mục tiêu hỗ trợ khách hàng là việc quan trọng hàng đầu.