Nhiều chuyên gia trong ngành cho biết, ô tô sẽ là đích đến tiếp theo trong cuộc chiến công nghệ. Các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc sẽ thúc đẩy tốc độ phát triển của các mẫu xe điện thông minh nhanh hơn và cả sự xuất hiện của xe tự hành nhờ nguồn tiền và dữ liệu khổng lồ.
Triển lãm ô tô Thượng Hải đang diễn ra quy tụ các nhà sản xuất lớn, nhỏ của ngành công nghiệp ô tô đã xuất hiện ngập tràn các mẫu xe điện. Các sản phẩm này hướng đến Trung Quốc - thị trường ô tô điện khí hóa lớn nhất và nhanh nhất thế giới.
Doanh số bán hàng ở Trung Quốc giảm 2% xuống 25,1 triệu xe trong năm ngoái, chiếm gần 1/3 tổng số xe toàn cầu. Thị trường đang nhanh chóng phục hồi nhờ sự phổ biến ngày càng tăng của ô tô điện.
Tuy nhiên, xe điện vẫn chỉ là một phần nhỏ doanh số bán hàng của Trung Quốc. Theo số liệu chính thức, doanh số xe điện chiếm khoảng 9% trong tháng 3.
Chính phủ Trung Quốc kỳ vọng các loại xe sử dụng năng lượng mới, tích hợp công nghệ lái xe tiên tiến nhất, sẽ chiếm 25% doanh số bán xe hơi vào năm 2025 và các thông báo gần đây cho thấy các tín hiệu lạc quan.
Lĩnh vực xe điện chứng kiến sự đấu tranh của nhiều gã khổng lồ công nghệ, bao gồm cả các công ty lớn của Trung Quốc.
Các ông lớn “nhập cuộc”
Các hãng công nghệ Trung Quốc đang lấn át trong cuộc chiến xe điện và tự hành (Ảnh AFP) |
Xiaomi, một trong những nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, có kế hoạch đầu tư 10 tỷ USD vào một công ty con sản xuất xe điện thông minh trong thập kỷ tới. Huawei cũng sẽ đầu tư một khoản trị giá 1 tỷ USD trong năm nay.
AutoX, công ty khởi nghiệp về xe tự hành với sự hậu thuẫn của Alibaba đã hợp tác với Honda để tăng cường thử nghiệm trên các con đường tại Trung Quốc.
Và gã khổng lồ công nghệ Baidu cho biết, hệ thống định vị tự động Apollo của họ sẽ được lắp đặt trên 1 triệu phương tiện trong vòng 3-5 năm tới. Các động thái này sẽ tập trung sự chú ý mới vào dự án bí mật của Apple nhằm phát triển một phương tiện tự lái.
Các công ty như Huawei coi ô tô như một cơ hội mới và đang gấp rút phát triển hệ sinh thái công nghệ của riêng mình sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Chen Yusheng, Giám đốc công nghệ của Công ty phân tích Shanghai Autodatas Co cho biết Huawei đã nhận ra "những hạn chế thị trường" hiện tại của mình.
"Huawei sẽ bước vào một chặng đường mới trong tương lai và với những lợi thế riêng của mình, bao gồm cả việc kết hợp phần mềm và phần cứng, để thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của ô tô thông minh và xe tự hành", Chen nói.
Lợi thế của Tesla
Xe tự hành vẫn chỉ đang trong giai đoạn thử nghiệm. Nhưng Trung Quốc được cho là sẽ dẫn đầu cuộc đua này nhờ sự khuyến khích của Chính phủ, cơ sở hạ tầng hiện đại và sự khởi đầu thuận lợi trong việc triển khai các mạng 5G cần thiết.
NIO tại Triển lãm ô tô Thượng Hải (Ảnh: NIO) |
William Li, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang nổi NIO cho biết, ở Triển lãm ô tô Thượng Hải cho thấy mọi thứ có thể thay đổi nhanh như thế nào ở Trung Quốc.
Chỉ 4 năm trước, triển lãm này vẫn còn bị thống trị bởi động cơ đốt trong truyền thống. "Nhưng ngày nay, mọi gian hàng trong hội trường đều có xe điện, xe năng lượng mới. Đây là một sự thay đổi rất lớn và động lực rất lớn là sự thay đổi công nghệ", ông nói.
Xe điện đã "chiếm sóng" hầu hết các gian hàng ở Triển lãm ô tô Thượng Hải. Sự lu mờ của các loại xe động cơ đốt trong cho thấy xu hướng điện hóa sẽ diễn ra mạnh mẽ ở thị trường này khi các loại xe điện xuất hiện ở hầu khắp các phân khúc. Tất cả các nhà sản xuất ô tô truyền thống đều giới thiệu xe điện như: Volkswagen ID.6; Mercedes-Benz EQB, BMW iX, Honda SUV e, Genesis Electrified G80, Audi A6 e-tron Sportback hay concept Toyota bz4X.
Tesla rõ ràng không chậm chân. Tại Thượng Hải năm 2019, công ty của Elon Musk đã xây dựng nhà máy thứ ba và 1/4 sản lượng tiêu thụ của Tesla là ở thị trường Trung Quốc.
Là thương hiệu xe điện bán chạy nhất trên toàn cầu và tại Trung Quốc, Tesla đang tiếp thêm sức mạnh cho thị trường Trung Quốc và tạo ra cuộc dua tốc độ cho một loạt các đối thủ cạnh tranh.
Các công ty tham gia sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Bao gồm cả việc thiếu bí quyết sản xuất ô tô sẽ có thể buộc họ phải hợp tác với các nhà sản xuất lâu đời hơn để sản xuất xe thay vì thiết kế khép kín của Tesla.
Một trở ngại khác là sự thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu cũng khiến lĩnh vực ô tô bị ảnh hưởng mạnh. Li cho biết sự thiếu hụt đã khiến dây chuyền sản xuất của NIO ngừng hoạt động trong năm ngày vào đầu tháng 4. Các áp lực có thể tiếp tục gia tăng vào tháng tới.
Các mục tiêu của Trung Quốc đối với xe điện được xem là quá thận trọng. "Tôi lạc quan hơn nhiều. Tôi nghĩ rằng đến năm 2030, hơn 90% ô tô mới được bán ở Trung Quốc”, Li nói.