Đây là một trong những kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) gửi Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh các doanh nghiệp trong ngành vẫn đang bị thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19.
Trao đổi với phòng viên Báo Người Lao Động sáng 29-9, TS Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký VABA, cho biết nhu cầu về nguồn vốn để cân đối dòng tiền bị phá vỡ của các hãng hàng không thời gian qua là rất lớn. Đến giữa năm 2021, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất Việt Nam đã lên tới 36.000 tỉ đồng (riêng Vietnam Airlines khoảng 20.000 tỉ đồng).
Báo cáo của các hãng hàng không cho thấy Pacific Airlines cần vay 5.700 tỉ để phục hồi sản xuất, trong đó cần ngay trong năm nay và đầu năm 2022 ít nhất là 2.000 tỉ đồng. Vietnam Airlines cần hỗ trợ vốn vay ưu đãi 10.000 - 12.000 tỉ đồng để cần đối dòng tiền.
Vietjet đề nghị hỗ trợ khoản vay tín dụng 8.000 - 10.000 tỉ đồng; Bamboo mong được vay 5.000 tỉ đồng… dưới hình thức tái cấp vốn từ các ngân hàng thương mại như đã áp dụng cho Vietnam Airlines và khoản tín dụng dài hạn với lãi suất và điều kiện ưu đãi. Vietravel Airlines cũng đề nghị cho vay 1.000 tỉ đồng với mức lãi suất 0% hoặc lãi suất ưu đãi và thời gian trả nợ dài hạn.
Như vậy, tổng nhu cầu vốn theo đề xuất của các doanh nghiệp hàng không là từ 29.700 - 33.700 tỉ đồng.
Các hãng hàng không tiếp tục ngóng gói hỗ trợ về tín dụng để gỡ khó trong thời điểm này
"Tình hình dịch bệnh kéo dài so với dự đoán, tác động của đại dịch trở nên vượt quá khả năng chịu đựng của doanh nghiệp hàng không. Đề nghị áp dụng cơ chế tái cấp vốn vay lãi suất 0% như đã áp dụng với Vietnam Airlines cho các hãng hàng không khác với quy mô vốn từ 4.000 tỉ đồng, thời hạn tối đa 3 năm. Đồng thời, cho phép các hãng được vay gói hỗ trợ 25.000 tỉ đồng, lãi suất 3%-4%/năm, thời gian trong 3-4 năm" – TS Bùi Doãn Nề đề xuất.
Liên quan đến đề xuất các gói hỗ trợ để "giải cứu" ngành hàng không, ngày 28-9, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức cuộc họp trực tuyến triển khai nhiệm vụ hỗ trợ các hãng hàng không chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết 105 của Chính phủ.
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước, cho biết hiện dư nợ tín dụng của các hãng tại tổ chức tín dụng khoảng hơn 24.000 tỉ đồng, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là hơn 2.500 tỉ đồng. Các tổ chức tín dụng cũng điều chỉnh giảm lãi vay từ 0,5 - 1 điểm %/năm cho doanh nghiệp hàng không.
Theo Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước, kết luận cuộc họp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết đối với các giải pháp vượt thẩm quyền như gói tín dụng với lãi suất ưu đãi từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng cho vay các hãng hàng không, cơ quan này ủng hộ về chủ trương và sẽ đề nghị các bộ, ngành và Bộ Giao thông Vận tải với tư cách là cơ quan chủ quản báo cáo, kiến nghị (nếu cần thiết) với Quốc hội, Chính phủ để có cơ sở pháp lý thực hiện.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục bám sát tình hình để kịp thời điều chỉnh quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phù hợp. Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, điều chỉnh nới hạn mức tăng trưởng tín dụng trên cơ sở tổ chức tín dụng phải cân đối nguồn vốn, thẩm định hiệu quả của phương án vay vốn và tự chịu trách nhiệm về quyết định cấp tín dụng…