Tính từ đầu năm đến nay, các hãng hàng không đã vay thêm và phát hành trái phiếu tổng cộng 63 tỷ USD. Ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy ngành hàng không sẽ trải qua giai đoạn khó khăn phía trước, khi các nước áp dụng thêm nhiều biện pháp kiểm soát dịch và mùa cao điểm của kỳ nghỉ hè tại châu Âu đã kết thúc. Nhiều hãng hàng không đã trở lại thị trường trái phiếu sau khi đại dịch COVID-19 bào mòn hết tiền mặt dự trữ.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự kiến giao thông hàng không thế giới sẽ khó trở lại mức trước đại dịch trước năm 2023 (Ảnh minh hoạ)
Giữa tháng 6 vừa qua, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự kiến giao thông hàng không thế giới sẽ khó trở lại mức trước đại dịch trước năm 2023. Tuy nhiên, trong hơn 20 năm tới, lưu lượng hành khách sẽ tăng gần gấp đôi, từ 4,5 tỷ lượt vào năm 2019 lên 8,5 tỷ lượt khách vào năm 2039. Tuy nhiên, con số mới này giảm một tỷ lượt so với dự báo trước cuộc khủng hoảng COVID-19 của IATA.
Dù vậy, dự báo trên vẫn là một thông tin tốt lành đối với các nhà sản xuất máy bay, vốn đã sản xuất chậm lại do các hãng hàng không hủy đơn đặt hàng để đảm bảo tình hình tài chính. Hãng chế tạo máy bay Airbus đã thông báo về kế hoạch đẩy mạnh sản xuất mẫu máy bay một lối đi A320 - sản phẩm bán chạy nhất của hãng và đạt mức kỷ lục vào năm 2023.
Trong khi đó, hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ dự báo lạc quan rằng các hãng hàng không sẽ cần 43.110 máy bay mới cho đến năm 2039, qua đó giúp tăng gần gấp đôi quy mô các đội bay trên toàn cầu. Riêng châu Á sẽ chiếm 40% nhu cầu này. Darren Hulst, Phó Chủ tịch phụ trách tiếp thị của Boeing, từng phát biểu rằng vụ tấn công ngày 11/9 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009 đã cho thấy ngành hàng không có khả năng phục hồi trở lại.