Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hơn 60 quốc gia đã áp đặt các hạn chế nhập cảnh đối với các công dân Trung Quốc kể từ khi bùng phát coronavirus tại thành phố Vũ Hán vào cuối tháng 1.
Chính phủ Hoa Kỳ hôm 31/1 đã cấm nhập cảnh với người nước ngoài đã có mặt ở Trung Quốc trong 14 ngày qua. Họ cũng yêu cầu các công dân sơ tán khỏi Vũ Hán phải tham gia một kiểm dịch bắt buộc trong 14 ngày. Chính phủ Úc cũng đã theo chân Hoa Kỳ vào ngày 1/2, trong khi Việt Nam dừng tất cả các dịch vụ kết nối với Trung Quốc.
Hua Chunying, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chỉ trích quyết định của Washington là "không phù hợp", đi ngược lại lời kêu gọi của Tổ chức Y tế Thế giới nhằm tránh các lệnh hạn chế nhập cảnh.
WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu vào ngày 30/1 với coronavirus. Kể từ ngày 31/1, số ca nhiễm bệnh ở Trung Quốc đại lục đã vượt quá 10.000 và coronavirus (2019-nCoV), đã lan rộng trên toàn thế giới, được xác nhận ở 26 quốc gia và khu vực khác. Virus đã giết chết ít nhất 259 người, tất cả ở Trung Quốc đại lục.
Mặc dù Tổng thư ký WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng "không có lý do nào để phải áp dụng các biện pháp can thiệp không cần thiết đến du lịch và thương mại quốc tế", các quốc gia đã bắt đầu hạn chế du lịch xuyên biên giới.
Nga, nơi có đường biên giới dài 4.000 km với Trung Quốc, đã đóng cửa 16 trạm kiểm soát nhập cư vào thứ Sáu và họ đã ngừng hoạt động các dịch vụ đường sắt với Trung Quốc, ngoại trừ giữa Moscow và Bắc Kinh.
Triều Tiên đã ngừng tiếp nhận khách du lịch Trung Quốc vào cuối tháng 1 và đã đình chỉ tất cả các dịch vụ hàng không và đường sắt kết nối các thành phố của Trung Quốc vào ngày 1/2. Bình Nhưỡng cũng quyết định cấm tất cả các công dân nước ngoài nhập cảnh từ Trung Quốc trong một tháng.
Hong Kong đã ngừng tiếp nhận khách du lịch cá nhân từ đại lục và đình chỉ đường sắt cao tốc, nhưng ngày càng có nhiều nhu cầu về việc phong tỏa hoàn toàn biên giới với Trung Quốc đại lục. Có suy đoán rằng nhân viên y tế đang lên kế hoạch cho một cuộc đình công vào ngày 3/2.
Chính quyền Israel cho biết hôm 30/1 rằng các chuyến bay từ Trung Quốc sẽ không được phép hạ cánh trên lãnh thổ của họ. Ý, nơi xác nhận một du khách Trung Quốc bị nhiễm bệnh ở nước này, đã quyết định tạm dừng các chuyến bay đến Trung Quốc, Hong Kong, Macao và Đài Loan cho đến cuối tháng 4.
Ba hãng hàng không lớn của Mỹ - Delta Air Lines, American Airlines và United Airlines - đã tạm dừng các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục. Theo Bộ Giao thông vận tải Hoa Kỳ, 8,5 triệu hành khách đã đi lại giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó các hãng hàng không Trung Quốc chiếm 2/3 thị trường và các hãng vận tải Mỹ chiếm phần còn lại.
Air France đã dừng tất cả các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục cho đến ngày 9/2 và Qantas Australia đã quyết định tạm dừng các chuyến bay trực tiếp đến Bắc Kinh và Thượng Hải từ ngày 9/2 đến 29/3. Qatar Airlines sẽ tạm dừng các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục từ 3/2 cho đến khi có thông báo mới.
Campuchia đã không thực hiện bất kỳ biện pháp nào để hạn chế du lịch đến và đi từ Trung Quốc. Thủ tướng Hun Sen cho biết hôm 30/1 rằng nước này không có kế hoạch sơ tán người dân hoặc đình chỉ các dịch vụ cho Trung Quốc, nói rằng "mối quan hệ với Trung Quốc phải có tầm nhìn dài hạn".
Cục Hàng không Việt Nam thông báo hủy toàn bộ các phép bay đã cấp và dừng cấp phép chuyến bay mới cho các hãng hàng không khai thác giữa Việt Nam và Trung Quốc từ 13h ngày 1/2.
Vietjet Air đã thông báo dừng tất cả các chuyến bay đi/đến Trung quốc đại lục từ ngày 1/2/2020. Tất cả các đường bay quốc tế khác, kể cả đường bay đến Hong Kong và Đài Loan vẫn khai thác bình thường.
Trước đó, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific thông báo sẽ dừng khai thác các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hong Kong từ ngày 5/2. Tuy nhiên, do quyết định dừng bay giữa Việt Nam và Trung Quốc của Cục Hàng không Việt Nam có hiệu lực từ 13h ngày 1/2 nên Vietnam Airlines và Jetstar Pacific cho biết đã ngừng khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong từ chiều 1/2.