Ở phiên chất vấn Kỳ họp thứ 10 - HĐND TP. Đà Nẵng nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào ngày 15/12, đại biểu Lê Hồng Cương cho biết, trong năm 2022, mặc dù số dự án FDI cấp mới là 42 dự án, cao hơn năm 2021 là 34 dự án nhưng tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới chỉ đạt 69,36 triệu USD, tương đương 46,39% so cùng kỳ năm 2021.
Ông Cương đề nghị người đứng đầu Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho biết nguyên nhân dẫn đến sụt giảm thu hút vốn đầu tư FDI trong năm 2022 và giải pháp trong những năm tới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Thanh Phúc cũng cho rằng, thu hút vốn FDI của thành phố liên tục giảm, trong khi đó, một số tỉnh thành khác cũng được xác định là thành phố động lực của vùng như Đà Nẵng (phía Nam có TP.HCM, Bình Dương; phía Bắc có Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh) đều tăng cả về số dự án và số vốn so với năm 2021. Để so sánh với các địa phương khác, cái nào Đà Nẵng chưa làm được dẫn đến thu hút FDI mới không đạt được như kỳ vọng.
"Giải pháp đột phá nào trong năm 2023 và những năm tiếp theo để Đà Nẵng vươn lên cùng các địa phương là gì?. Đặc biệt, đầu tư FDI đến từ 2 cái, đầu tư mới và mở rộng tăng vốn của những dự án FDI đang hoạt động tốt ở Đà Nẵng. Vậy thành phố hỗ trợ các nhà đầu tư có dự án tốt tiếp tục tăng vốn, mở rộng, góp phần tăng vốn FDI vào kinh tế thành phố?", đại biểu Phúc nêu.
Trả lời vấn đề trên, bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho biết, trong năm 2022, thành phố đã tập trung triển khai nhiều hoạt động với mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Theo đó, những dự án trong nước, Đà Nẵng đã tập trung triển khai rất hiệu quả, riêng đối với dự án FDI, tính đến 30/11 mới đạt gần 50% dự án mới so với cùng kỳ.
Theo bà Tâm, thực trạng thu hút vốn FDI thấp có nhiều nguyên nhân, trong đó dễ thấy nhất là với các biện pháp đóng cửa giao dịch COVID-19 trong 2 năm qua, việc tiếp cận của các nhà đầu tư đến với Đà Nẵng có nhiều hạn chế.
Cùng với đó, hiện tâm lý nhà đầu tư nước ngoài đang dè dặt tìm cơ kiếm đầu tư do ảnh hưởng bởi xung đột chính trị châu Âu, khả năng lạm phát rất lớn nên việc xem xét khả năng đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư rất hạn chế. Xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước đang gia tăng nhằm khuyến khích, thúc đẩy sản xuất nên việc đưa dòng FDI về nước cũng bị ảnh hưởng.
"Nguyên nhân chính là tỷ lệ cho thuê đất tại các khu công nghiệp đã trên 85%, hạ tầng kỹ thuật trong các khu công nghiệp chưa đầy đủ để thu hút đầu tư và hiện nay thành phố còn phải tập trung kêu gọi đầu tư đối với khu công nghiệp mới nên chưa có đủ mặt bằng để triển khai", bà Tâm nói và cho biết thêm, thành phố cũng phải lựa chọn những dự án đảm bảo môi trường, công nghệ tiên tiến, giá trị tăng cao nên trong quá trình thẩm định cũng như thu hút đầu tư có nhiều vấn đề cần cân nhắc.
Về giải pháp, Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho biết, hiện nay thành phố đang cố gắng tập trung hoàn thành phê duyệt các phân khu chức năng, quy hoạch 1/500. Đồng thời, thành phố đang khẩn trương kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện triển khai xây dựng các khu công nghiệp mới như: Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh và chuyển đổi khu công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, nghiên cứu mở rộng khu công nghệ cao, tạo nguồn quỹ đất sẵn có, tập trung đầu tư để khớp nối hạ tầng các khu công nghiệp tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, thành phố giao cho Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp triển khai xây dựng đề án kêu gọi các nhà đầu tư lớn vào các khu công nghiệp mới và khu công nghiệp hỗ trợ. Đến nay, Ban Quản lý đã hoàn thành việc đó và dự kiến trình UBND thành phố trong tháng 1/2023.
Ngoài ra, giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư trong xúc tiến cũng như các doanh nghiệp hoạt động tại chỗ được thành phố tập trung quyết liệt nhằm tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư.