Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa đồng loạt gửi email khuyến cáo khách hàng cần bảo mật thông tin để tránh bị lợi dụng.
Không bao giờ đưa thẻ cho người khác sử dụng
Theo ACB, khách hàng tuyệt đối không nhập OTP SMS, OTP Token (mã xác thực giao dịch dùng 1 lần được gửi qua tin nhắn, token), mật khẩu, tên truy cập giao dịch ngân hàng trực tuyến vào các link giả mạo ngân hàng, chuyển tiền quốc tế...
Khi mua sắm online, thanh toán qua các kênh ngân hàng điện tử, chủ thẻ nên mua sắm ở các trang web uy tín. Ảnh: Linh Anh
Hiện có một số trang web giả mạo đường link website của ngân hàng hoặc các kênh chuyển tiền quốc tế để lừa khách hàng nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, mật khẩu giao dịch. Chủ thẻ cần thay đổi ngay mật khẩu, tên truy cập khi bị lộ, nghi ngờ bị lộ thông tin giao dịch ngân hàng trực tuyến. Không gửi, chia sẻ các thông tin như tên truy cập, mật khẩu, số thẻ tín dụng, số tài khoản ngân hàng, số CMND... qua mạng xã hội, diễn đàn hay các dịch vụ chat trên mạng.
Đối với chủ thẻ tín dụng, theo Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), nguyên tắc quan trọng nhất để phòng tránh rủi ro là khách hàng cần giữ thẻ cẩn thận như giữ tiền trong túi. Khách hàng nên luôn mang theo thẻ và không bao giờ đưa cho người khác sử dụng, chia sẻ thông tin về thẻ như số thẻ, ngày hết hạn, số PIN, số CVV (3 chữ số ở mặt sau thẻ), mã OTP.
Khi thanh toán online, ngoài các trang uy tín có độ an toàn cao, chủ thẻ không nên truy cập các trang thương mại điện tử lạ, cần kiểm tra xem trang web đó có được bảo mật hay không. Dấu hiệu để nhận biết một trang web được bảo mật chính là địa chỉ URL trên thanh địa chỉ của trình duyệt được bắt đầu bởi cụm https:// và có một biểu tượng ổ khóa.
"Một số trang web mua hàng có thêm các tính năng như "Verified by VISA" hay "Mastercard SecureCode", đây là biện pháp nhằm tăng cường bảo vệ cho chủ thẻ. Trong trường hợp phát hiện giao dịch lạ trong tài khoản, khách hàng phải lập tức thông báo với ngân hàng để được khóa thẻ và hỗ trợ" - đại diện Nam A Bank khuyến cáo.
Tránh bị đánh cắp thông tin thẻ tại ATM
Nhu cầu thanh toán, rút tiền mặt tại ATM những ngày cận Tết thường tăng cao. Các ngân hàng cũng khuyến cáo chủ thẻ cách nhận biết, xử lý để tránh bị đánh cắp thông tin thẻ tại máy ATM.
Theo Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), thiết bị đánh cắp thông tin thẻ tại máy ATM được tội phạm sử dụng nhiều tại Việt Nam là thường lấy cắp dữ liệu trên dải từ phía sau thẻ (do thẻ ATM tại Việt Nam phần lớn là thẻ từ).
Nhu cầu rút tiền ATM tăng cao dịp cận Tết. Ảnh: Tấn Thạnh
Khe đọc thẻ bị gắn thiết bị đánh cắp thông tin tại máy ATM không có đèn nhấp nháy (ảnh phải). Ảnh: MSB
Các khu vực thường bị gắn thiết bị đánh cắp thông tin thẻ như khe đọc thẻ, khu vực phía trên đối diện bàn phím hoặc ở ngay phía trên màn hình ATM hay bên trong thiết bị che bàn phím hoặc bàn phím ATM. Dấu hiệu bất thường, theo MSB, như bàn phím nhập mã PIN nhô cao, khi nhập PIN cảm giác có khoảng trống phía dưới.
Tại khu vực thường bị gắn thiết bị đánh cắp thông tin thẻ có các dấu hiệu khả nghi như: có vệt băng dính 2 mặt, keo dán quanh đầu đọc thẻ hoặc lỗ nhỏ tại các khu vực có thể nhìn thấy bàn phím như nóc máy ATM, hông màn hình ATM. Camera lấy cắp PIN còn có thể được giấu trong hộp đựng biên lai gần đó.
Do đó, chủ thẻ nên kiểm tra máy ATM trước khi giao dịch để kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường. Luôn dùng tay che khu vực bàn phím khi nhập mã PIN. Nên sử dụng dịch vụ thông báo số dư tự động qua SMS và nên thường xuyên kiểm tra tin nhắn để kịp thời và chủ động phát hiện giao dịch bất thường.