Theo số liệu của NHNN, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế cuối năm 2017 ở mức 6,5 triệu tỷ đồng. Với mục tiêu tăng trưởng 17% trong năm nay, ước tính sẽ có thêm khoảng 1,107 triệu tỷ được bơm vào nền kinh tế trong năm nay.
Trừ đi mức tăng trưởng 7,88% đã đạt được trong 6 tháng đầu năm (khoảng 513 nghìn tỷ) thì trong 6 tháng còn lại, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế có thể tăng thêm khoảng 594 nghìn tỷ đồng.
Tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2018 ở mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, chỉ đạt 7,88%, trong khi cùng kỳ của năm 2016 và 2017 lần lượt là 8,21% và 9,06%. Tuy nhiên, xét về con số tuyệt đối, tín dụng 6 tháng đầu năm 2018 tăng thêm khoảng 513 nghìn tỷ đồng, vẫn là mức cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (khoảng 496 nghìn tỷ).
Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý; bảo đảm thanh khoản của tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%, tín dụng tăng khoảng 17%. Mục tiêu này ban đầu khá gây bất ngờ bởi thấp hơn khá nhiều so với mức 18,2% đạt được trong năm ngoái.
Cho đến nay, cơ quan đầu ngành ngân hàng vẫn kiên trì với định hướng này đồng thời yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng tín dụng tại các TCTD. Chỉ thị số 04 /CT-NHNN mới đây của Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết sẽ không xem xét, điều chỉnh tăng room tín dụng, trừ trường hợp đặc biệt. Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông…
Đồng thời, NHNN sẽ tiến hành thanh tra đột xuất các TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ.