Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cập nhật kết quả điều hành hoạt động tiền tệ, ngân hàng những tháng đầu năm 2021.
Tổng phương tiện thanh toán tăng 3,64% trong 6 tháng đầu năm, mặt bằng lãi suất giảm
Theo đó, trong các tháng qua, NHNN đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, sẵn sàng nguồn vốn cho tăng trưởng kinh tế phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. NHNN duy trì chào mua giấy tờ có giá để phát tín hiệu hỗ trợ thanh khoản, ổn định thị trường tiền tệ. Lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp hơn giai đoạn trước dịch Covid (cuối năm 2019), thanh khoản thị trường tiền tệ dồi dào giúp tổ chức tín dụng (TCTD) giảm áp lực chi phí vốn, sẵn sàng cung ứng vốn cho sản xuất kinh doanh nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát. Đến ngày 28/6/2021, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 3,64% so với cuối năm 2020.
Về lãi suất, trong 6 tháng đầu năm 2021, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành. Mặt bằng lãi suất cho vay và huy động đến nay đã giảm tương đối so với cuối năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do: (i) Tác động trễ của việc NHNN liên tiếp điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất điều hành trong năm 2020; (ii) NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, đồng thời điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT để đảm bảo thanh khoản thông suốt cho hệ thống, ổn định thị trường tiền tệ, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh; (iii) Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý; triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động bởi đại dịch Covid-19.
Về tỷ giá, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, công bố tỷ giá trung tâm biến động hàng ngày, phù hợp diễn biến thị trường trong và ngoài nước, cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT, hạn chế đầu cơ, găm giữ ngoại tệ và giúp hấp thu các cú sốc đến nền kinh tế. Từ đầu năm 2021, NHNN ngừng mua ngoại tệ giao ngay, bắt đầu áp dụng mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng có hủy ngang; giảm tuần suất can thiệp; theo đó tạo điều kiện để tỷ giá diễn biến linh hoạt hơn, phù hợp với điều kiện thị trường trong khi vẫn giúp hấp thu nguồn cung ngoại tệ dồi dào trên thị trường, đảm bảo thị trường ngoại tệ vận hành thông suốt. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng diễn biến linh hoạt, khoảng 22.940-23.100 VND/USD; Thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Các tháng qua, NHNN cũng điều hành CSTT phối hợp chặt chẽ với CSTK và các chính sách khác: NHNN thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành về điều hành CSTT, giá hàng hóa dịch vụ, dự báo lạm phát; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong điều tiết tiền gửi Kho bạc, qua đó ổn định thanh khoản hệ thống, kiểm soát tiền tệ. Mặt bằng lãi suất TPCP các kỳ hạn hiện ở mức thấp: KH 5 năm: 1,1%/năm; KH 7 năm: 1,36%; KH 10 năm: 2,2%/năm; KH 15 năm: 2,46%/năm; KH 20 năm: 2,91%/năm; KH 30 năm 3,05%/năm.
Hơn 1 triệu tỷ đồng dư nợ được miễn, giảm lãi suất
Về các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do Covid-19: NHNN đã và đang tích cực chủ động đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như:
Ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc TCTD, chi nhánh NHNNg cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 (hiệu lực từ 17/5/2021). Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung theo hướng: (i) điều chỉnh kéo dài về thời gian khoản nợ phát sinh so với Thông tư 01; (ii) sửa đổi theo hướng quy định rõ hơn so với Thông tư 01 về thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ và thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ tối đa; (iii) bổ sung mới quy định về thời gian TCTD thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm phí cho khách hàng (thực hiện đến ngày 31/12/2021); (iv) bổ sung quy định về trích lập dự phòng nhằm củng cố nguồn dự phòng để xử lý rủi ro, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Đến ngày 14/06/2021, các TCTD đã thực hiện: (i) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 241.443 khách hàng với dư nợ 326.299 tỷ đồng; (ii) Miễn, giảm, hạ lãi suất cho 679.877 khách hàng với dư nợ 1.053.808 tỷ đồng. Lũy kế số tiền lãi miễn, giảm cho khách hàng từ 23/01/2020 đến 14/6/2021 là 18.279 tỷ đồng; (iii) Cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 3.700.754 tỷ đồng cho 506.151 khách hàng. Ngoài ra NHCSXH đã thực hiện gia hạn nợ cho 178.952 khách hàng với dư nợ 4.472 tỷ đồng, cho vay mới đối với 3.116.431 khách hàng với số tiền 113.710 tỷ đồng.
Có văn bản chỉ đạo: (i) các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiết giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, căn cứ năng lực tài chính để thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của khách hàng…; (ii) NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố chỉ đạo các TCTD trên địa bàn rà soát, phối hợp với chính quyền địa phương để triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0% để tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines
Ban hành cơ chế cho vay tái cấp vốn tháo gỡ khó khăn cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ: Ngày 05/4/2021, NHNN đã ban hành Thông tư số 04/2021/TT-NHNN quy định: (i) NHNN tái cấp vốn TCTD sau khi TCTD cho VNA vay và quy định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của VNA do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tổng số tiền tái cấp vốn tối đa là 4.000 tỷ đồng, lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, thời hạn tái cấp vốn tối đa bằng thời hạn cho vay của khoản cho vay VNA và không vượt quá 364 ngày, khoản tái cấp vốn được gia hạn tự động 02 (hai) lần, thời hạn gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn, tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn không vượt quá 03 năm; (ii) TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ của VNA trong thời hạn tối đa không quá 03 năm nhưng không muộn hơn ngày 31/12/2024, TCTD được giữ nguyên nhóm nợ và thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của VNA.
NHNN cũng đã có 2 văn bản chỉ đạo các TCTD triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho VNA. Ngày 24/05/2021, NHNN đã chủ trì họp với 10 TCTD, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban quản lý vốn, VNA để triển khai giải pháp tái cấp vốn cho TCTD cho vay VNA. Tại cuộc họp, NHNN đã yêu cầu: (i) các TCTD có quan hệ tín dụng với VNA tiếp tục duy trì hạn mức tín dụng cho VNA, (ii) các TCTD khẩn trương xem xét tài trợ cho VNA số tiền 4000 tỷ từ nguồn tái cấp vốn NHNN theo đúng quy định hiện hành. Hiện nay VNA và các TCTD đã họp thống nhất các nội dung về Hợp đồng tín dụng, dự kiến ký Hợp đồng tín dụng và giải ngân trong tháng 7/2021.
Về chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc : Kết thúc chương trình (đến 31/1/2021, thời điểm dừng giải ngân theo quy định), NHNN đã giải ngân cho NHCSXH với tổng số tiền 42,9 tỷ đồng và NHCSXH đã cho vay tại 56 tỉnh, thành phố với dư nợ 41,82 tỷ đồng đối với 245 người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động. Đến ngày 31/5/2021, tổng dư nợ của chương trình tại NHCSXH là 38,47 tỷ đồng với 228 người sử dụng lao động còn dư nợ.