Theo báo cáo vừa gửi đến Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, đến ngày 30/9/2019, tín dụng tăng 9,4% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Tín dụng ngoại tệ được kiểm soát phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế.
Như vậy con số này cao hơn 1 điểm % so với số liệu thống kê 8,4% được Tổng cục Thống kê đưa ra chốt tại ngày 20/9.
Cũng theo báo cáo gửi tới Quốc hội, đến tháng 8/2019, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 6% so với cuối năm 2018, chiếm khoảng 24,26% tổng dư nợ đối với nền kinh tế; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,42%, chiếm 18,67%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 13,21%, chiếm 3,16%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 1,85%, chiếm 2,91%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 22,04%, chiếm 0,41%.
Tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (bao gồm cả mục đích kinh doanh và mục đích tự sử dụng) tăng 14,58% so với cuối năm 2018, chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế; lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng 8,7%, chiếm 0,4%; tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng 13,92%, chiếm 20,69%.
Như vậy, tín dụng đổ vào lĩnh vực bất động sản đang dẫn đầu đà tăng trưởng và cao hơn gấp rưỡi so với tốc độ tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Một số liệu khác được Ngân hàng Nhà nước cập nhật trên Website của cơ quan này cho thấy, đến hết tháng 7, tổng dư nợ nền kinh tế đạt 7,75 triệu tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 7,48% so với cuối năm 2018. Như vậy đối chiếu với số liệu do lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cung cấp trong báo cáo gửi tới Quốc hội thì tổng dư nợ đổ vào bất động sản theo con số tuyệt đối đã ở mức hơn 1,47 triệu tỷ đồng.
Bất động sản là 1 trong các lĩnh vực rủi ro được yêu cầu kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua.