Sự việc của một khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh bị HSBC áp lãi nặng vì chưa thanh toán hết dư nợ tín dụng của kỳ trước đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Theo phản ánh của vị khách hàng này, anh có tiêu 100,4 triệu đồng trong thẻ tín dụng ở kỳ thanh toán tháng 4/2019 nhưng mới thanh toán được 100 triệu, còn 400 nghìn đồng anh định để đến kỳ sau thì thanh toán vì nghĩ rằng nếu có lãi cũng chẳng đáng bao nhiêu. Thế nhưng khi nhận được sao kê của tháng sau, anh tá hỏa khi biết phần lãi mà ngân hàng tính tới gần 3 triệu đồng, tức gấp hơn 7 lần dư nợ gốc.
Phản ánh với ngân hàng, anh nhận được câu trả lời rằng tiền lãi gần 3 triệu nói trên là tính gộp cả hơn 100 triệu đồng phát sinh trong tháng 4, cộng với 27 triệu đồng quẹt thẻ sau đó (kỳ hạn của 27 triệu đồng này đến giữa tháng 6 mới phải trả).
Khi chúng tôi liên hệ với ngân hàng về cách tính lãi với thẻ tín dụng, đại diện HSBC cũng thừa nhận chính sách của ngân hàng là trong trường hợp người dùng thẻ tín dụng không thanh toán đầy đủ tổng số dư nợ cuối kỳ trước hoặc đúng ngày đến hạn thanh toán, tiền lãi sẽ được tính trên toàn bộ số dư kể từ ngày giao dịch phát sinh và trên tất cả các giao dịch mới (kể từ ngày giao dịch phát sinh) cho đến khi toàn bộ số dư chưa thanh toán được thanh toán đầy đủ.
Trước đó, cũng có không ít các khách hàng đã phải “khóc thét” với thẻ tín dụng vì trót quẹt quá tay. Chị Hương, một người từng dùng thẻ của ANZ năm 2015 cho biết cũng rơi vào trường hợp tương tự vị khách tại HSBC. Khi ấy chị cũng khiếu nại lên ngân hàng nhưng nhận được câu trả lời là ngân hàng đã làm đúng theo như hồ sơ mở thẻ mà chị ký tên vào. Cuối cùng chị đành phải vay mượn để trả hết nợ vì càng để dây dưa thì lãi dồn càng lớn, song chị cũng... đóng luôn thẻ, và từ đó tới nay không dám quay lại dùng thẻ tín dụng.
Vấn đề của các khách hàng như trên thực sự đã làm "thức tỉnh" ít nhiều những người đang sử dụng dịch vụ thẻ tín dụng hiện nay.
Khảo sát của chúng tôi trên thị trường cho thấy, không chỉ các ngân hàng trong nước và nước ngoài tại Việt Nam có thẻ tín dụng mà cả các công ty tài chính cũng phát hành thẻ tín dụng. Và mỗi ngân hàng lại có nhiều sản phẩm thẻ tín dụng khác nhau để phục vụ đa dạng khách hàng, chẳng hạn như ở VIB và Vietcombank có cả chục loại thẻ tín dụng.
Hầu hết các ngân hàng tính lãi với thẻ tín dụng như của HSBC, một số ít thì tính lãi cho phần dư nợ chưa thanh toán. Mới đây có VIB là ngân hàng đầu tiên công bố miễn lãi cho khách hàng sử dụng thẻ tín dụng ở sản phẩm mới ra mắt zero interest nhưng kèm theo điều kiện phải thanh toán tối thiểu 20% dư nợ và đóng kèm một loại phí khoảng 2% là phí cam kết thanh toán và khoảng 1% phí giao dịch, tổng cộng là 3%.
Đối với việc thu lãi thẻ tín dụng của các ngân hàng, khảo sát cũng cho thấy hầu hết có chính sách miễn lãi 45 – 55 ngày cho chủ thẻ. Chẳng hạn, kỳ tính sao kê của thẻ tín dụng là từ 05/4 – 04/5 thì khách hàng sẽ phải thanh toán trước ngày 19/5 cho các giao dịch trong khoảng thời gian trên (nếu miễn lãi 45 ngày) và 29/5 (nếu miễn lãi 55 ngày) thì sẽ không bị tính một đồng lãi nào. Nhưng nếu sau thời hạn đó thì sẽ bị các ngân hàng tính lãi trên số tiền đã tiêu ở kỳ trước, phổ biến là từ 2,5% – 3,2%/tháng tương đương với 30% - gần 40%/năm, một số ít ngân hàng tính lãi thấp hơn song cũng phải trên 20%/năm. Thời gian thanh toán càng chậm thì tiền lãi càng cao. Ấy là chưa kể, nếu không thanh toán đúng hạn, nợ trên thẻ tín dụng còn bị chuyển nhóm nợ sang nợ xấu và hiển thị trên lịch sử tín dụng của CIC – gây khó khăn cho các giao dịch vay vốn hay mở thẻ/nâng hạn mức thẻ sau này của chủ thẻ.
Việc các ngân hàng áp dụng lãi với thẻ tín dụng ở mức 30 – 40%/năm được người dùng cho rằng còn kinh khủng hơn cả tín dụng đen, song theo lý giải của các ngân hàng thì thẻ tín dụng là một hình thức cho vay tín chấp cho nên lãi suất phải cao mới đủ bù đắp chi phí và các rủi ro cho ngân hàng.
Một thực tế không thể phủ nhận được là thẻ tín dụng hiện nay có rất nhiều ưu đãi cho người dùng như khách hàng có thể tiêu trước trả sau (miễn là trong hạn để không mất lãi), được hưởng các chính sách ưu đãi, hoàn tiền lớn, tiện lợi trong thanh toán. Song để tận dụng được những ưu điểm đó thì cần lưu ý đọc và hiểu tất cả các chính sách của các tổ chức phát hành thẻ, nhất là các quy định về thời hạn thanh toán, lãi, phí rút tiền, phí chuyển đổi ngoại tệ (khi dùng thẻ ở nước ngoài)…để tránh phải trả những giá "quá đắt" cho các giao dịch của mình.