|
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, tính đến cuối tháng 7/2018, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM đạt khoảng 2,15 triệu tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong tổng vốn huy động nêu trên, huy động bằng tiền đồng chiếm 89,3% và huy động ngoại tệ đạt khoảng 10,7%; tỷ lệ tiền gửi dân cư chiếm khoảng 48,7% tổng vốn huy động.
Về dư nợ cho vay, tính đến hết tháng 7/2018, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã lên đến gần 1,93 triệu tỷ đồng, tăng 9,47% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong tổng dư nợ, cho vay bằng tiền đồng chiếm gần 90,9% và cho vay ngoại tệ khoảng 9,1%; tỷ lệ cho vay trung và dài hạn khoảng 53,2% tổng dư nợ.
Theo đánh giá của NHNN Chi nhánh TP.HCM, hoạt động ngân hàng trong 7 tháng vừa qua đạt được một số kết quả quan trọng. Điểm nổi bật và gắn bó thiết thực nhất đối với cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế là mặt bằng lãi suất (cả huy động và cho vay) được hệ thống ngân hàng duy trì ở mức ổn định.
Bên cạnh đó, tỷ giá giữa tiền VND và USD mặc dù thời gian qua có nhiều yếu tố từ thế giới tác động nhưng vẫn giữ được sự ổn định trong tổng thể 7 tháng đầu năm; cung, cầu ngoại tệ hợp lý, ngân hàng đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và người dân.
Trong 7 tháng vừa qua, dư nợ tín dụng duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu tín dụng ngày càng hợp lý hơn khi tỷ lệ cho vay trung và dài hạn có xu hướng giảm dần, các ngân hàng thương mại tập trung nguồn vốn nhiều hơn cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Cũng theo thống kê của NHNN Chi nhánh TP.HCM, tính đến tháng 7/2018, tỷ lệ dư nợ/vốn huy động trung bình của các ngân hàng thương mại đạt khoảng 89,5%. Về cơ bản, thanh khoản của toàn hệ thống vẫn đảm bảo và được các tổ chức tín dụng tuân thủ tốt theo các quy định của NHNN.
Tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Đào Minh Tú gợi ý một số trọng điểm để các vụ, cục chức năng và các ngân hàng thương mại tham gia thảo luận. Theo đó, các vấn đề về: ổn định lãi suất cho vay, tỷ trọng tín dụng ngoại tệ, cho vay các lĩnh vực ưu tiên và các lĩnh vực đột phá trên địa bàn TP.HCM được Phó Thống đốc đặt vấn đề và được đa số các ngân hàng thương mại bày tỏ sự đồng thuận.
Đại diện lãnh đạo các ngân hàng như OCB, HDBank, NamABank, Sacombank… đều cho rằng việc giảm lãi suất cho vay chỉ nên tính toán ở một số lĩnh vực, ngành nghề. Về cơ bản, nên duy trì sự ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay như hiện nay là phù hợp với các diễn biến vĩ mô của nền kinh tế và đảm bảo hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Về lĩnh vực cho vay tiêu dùng, NHNN Chi nhánh TP.HCM và các ngân hàng thương mại trên địa bàn cho rằng hiện nay có tình trạng khách hàng “ẩn nấp” vào hoạt động cho vay tiêu dùng để vay vốn kinh doanh bất động sản. Điều này dẫn tới tín dụng tiêu dùng tăng nhanh. Do vậy, các tổ chức tín dụng cần tăng cường các giải pháp kiểm tra, thẩm định để phân loại các hợp đồng vay và thống kê chính xác hơn số liệu dư nợ đối với từng lĩnh vực nhằm giảm thiểu rủi ro vốn.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá cao những hoạt động của ngành Ngân hàng trên đại bàn TP.HCM. Phó Thống đốc cũng cho rằng mức tăng trưởng tín dụng chung của cả nước trong 7 tháng đầu năm vừa qua hơi chậm so với các năm trước nhưng phù hợp với thực tế diễn biến thị trường. Tình hình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng hiện đang được các đơn vị thực hiện khá tích cực và đã thông qua được phương án tài cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém nhất trong hệ thống.
Trong các tháng cuối năm, Phó Thống đốc đề nghị NHNN Chi nhánh TP.HCM và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tiếp tục coi hoạt động tái cơ cấu các tổ chức tín dụng là trọng tâm. Trong ngắn hạn, NHNN sẽ tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất và chưa đặt ra yêu cầu tăng hoặc giảm lãi suất huy động và cho vay, do vậy các ngân hàng chủ động tăng trưởng tín dụng gắn với các chỉ an toàn vốn.
Đối với các lĩnh vực ưu tiên và các lĩnh vực đột phá trên địa bàn TP.HCM, Phó Thống đốc cũng đề nghị hệ thống ngân hàng thương mại tiếp tục đẩy mạnh cung ứng, tài trợ vốn, đồng thời tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp để gắn kết nguồn vốn tín dụng với nhu cầu thực tiễn của thị trường.