Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã quyết định giảm 1 điểm % một số loại lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.
Động thái này đánh dấu lần đầu tiên NHNN hạ lãi suất chính sách kể từ tháng 9/2020 và đảo ngược nhẹ mức tăng lũy kế 2 điểm % đối với lãi suất tái chiết khấu được thực hiện vào tháng 9 và tháng 10 năm ngoái. Với quyết định trên, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á xoay trục nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay, ngay cả khi FED tiếp tục tăng lãi suất.
Theo NHNN, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành mới đây là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
NHNN nhấn mạnh, việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng TCTD giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đánh giá tác động của quyết định giảm lãi suất điều hành đến hoạt động của các ngân hàng, Chuyên gia TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc giảm lãi suất sẽ hỗ trợ các ngân hàng trong việc tiếp cận vốn từ NHNN qua các công cụ như cho vay tái chiết khấu, cho vay liên ngân hàng; qua đó, giúp các TCTD có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, tác động này sẽ không nhiều vì vay tái chiết khấu của các TCTD là khá khiêm tốn. Điểm lợi đáng chú ý ở đây là, tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn khi lãi suất giảm trong thời gian tới, qua đó góp phần tăng thu nhập từ tín dụng và các dịch vụ liên quan cho các ngân hàng.
Tương tự, các chuyên gia của Chứng khoán MBKE cũng đánh giá tác động cận biên của việc cắt giảm lãi suất chiết khấu 1 điểm % đối với môi trường lãi suất do trái phiếu Chính phủ đóng góp là không đáng kể khi trần lãi suất huy động ngắn hạn vẫn được duy trì ở mức 6%.
"Trái phiếu Chính phủ được sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay ngắn hạn với lãi suất chiết khấu từ NHNN và điều này đang góp một lượng nhỏ 6% cho nguồn vốn của ngân hàng. Nếu tất cả số tiền này được thế chấp để vay ngắn hạn từ NHNN, lãi suất có thể giảm xuống chỉ còn 0,06%", MBKE phân tích.
Đối với tác động đối với các ngân hàng, MBKE cho rằng các ngân hàng có tỷ lệ nắm giữ trái phiếu chính phủ cao hơn trong tổng nguồn vốn, chẳng hạn như ACB, OCB, Sacombank, LienVietPostBank,...có thể giảm nhẹ áp lực lên chi phí vốn của họ
Ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng MBS đánh giá, ngân hàng là nhóm ngành bị ảnh hưởng bởi xu hướng tăng lãi suất, đặc biệt là những ngân hàng vừa và nhỏ khi tín dụng bị co hẹp, chi phí huy động tăng lên. Những yếu tố khó khăn của nhóm ngân hàng sẽ được thể hiện rõ hơn trong kết quả kinh doanh quý I tới đây.
Do vậy, khi lãi suất có xu hướng hạ nhiệt sẽ giúp các ngân hàng giảm chi phí huy động giảm, tăng trưởng tín dụng tăng, nguy cơ phát sinh nợ xấu giảm, bảng cân đối cũng lành mạnh hơn khi tài sản tài chính như trái phiếu, cổ phiếu tăng giá.
Với quan điểm thận trọng hơn, ông Trần Ngọc Báu – CEO WiGroup cho rằng quyết định này mặc dù sẽ làm giảm một phần nào đó chi phí huy động vốn ở kỳ hạn siêu ngắn và ngắn của toàn hệ thống nhưng với bối cảnh hiện nay thì mức độ tác động sẽ không quá lớn đến hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Còn theo Chứng khoán Agribank, việc giảm lãi suất điều hành sẽ giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào hơn. Cùng với đó, các NHTM cũng có nhiều dư địa và chủ động hơn trong việc giảm lãi suất cho vay và lãi suất huy động.
"Tác động của việc giảm lãi suất điều hành đến lợi nhuận trong năm 2023 là chưa rõ ràng và triển vọng trong năm sẽ gặp nhiều thách thức khi nhu cầu tín dụng và huy động vốn vẫn thấp đồng thời áp lực nợ xấu gia tăng", Agriseco đánh giá.