Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa qua đã có Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022.
Đáng chú ý, tại văn bản này, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai quyết liệt, thiết thực, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Các TCTD cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận, không chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2022 để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt, có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh tốt.
Bên cạnh đó, các TCTD cần xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính năm 2022 bám sát các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ, NHNN.
Thống đốc cũng giao các ngân hàng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, chú trọng chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu. Trong đó, tín dụng cần hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay và tuân thủ quy định pháp luật liên quan, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng.
Ngoài ra, các nhà băng cũng phải kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp...; thực hiện cho vay bằng ngoại tệ theo chủ trương của Chính phủ và NHNN về hạn chế tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế.
Trước đó, trong năm 2021, Thống đốc NHNN cũng đã yêu cầu các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và đảm bảo an toàn hoạt động. Theo đó, nhiều ngân hàng đã chọn chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Theo thống kê của chúng tôi, trong năm 2021, hệ thống ngân hàng đã tăng vốn điều lệ thêm hơn 110.000 tỷ đồng. Đây là năm các ngân hàng tăng vốn mạnh, ồ ạt nhất từ trước đến nay nhờ nguồn lợi nhuận tích lũy từ nhiều năm qua và điều kiện thị trường chứng khoán diễn biến thuận lợi.
Mặc dù không được chia cổ tức bằng tiền nhưng nhìn chung cổ đông ngân hàng vẫn khá hài lòng trong năm vừa qua khi cổ phiếu tăng giá. Giai đoạn nửa đầu năm 2021, cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhóm hút dòng tiền nhất trên thị trường và hàng loạt mã lập đỉnh, tăng gấp 2-3 lần so với đầu năm vào tháng 6, đầu tháng 7. Tuy nhiên, bước sang tháng 7-9, cổ phiếu ngân hàng đồng loạt lao dốc, nhiều mã giảm tới 40-50% trước lo ngại ngành ngân hàng gặp khó khăn vì Covid-19 như lợi nhuận giảm, nợ xấu tăng mạnh. Dù vậy, nhìn chung trong cả năm 2021 thì 26/27 cổ phiếu ngân hàng vẫn tăng giá, chỉ riêng BID giảm nhẹ. Nhiều cổ phiếu tăng 2-3 lần như VPB, MSB, VIB, LPB, TPB, VBB, SSB, NVB.
Chỉ có 3 ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2021 là các "ông lớn" có vốn của Nhà nước: Vietcombank (VCB), BIDV (BID), VietinBank (CTG).
Cụ thể, BIDV chốt danh sách cổ đông ngày 24/12/2021 để chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 2%, ngày thanh toán cổ tức là 24/1/2022. Vietcombank chốt danh sách cổ đông ngày 23/12/2021 để chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 12% và tiền sẽ về tài khoản cổ đông vào ngày 5/1/2022. VietinBank cũng chốt danh sách cổ đông từ hôm 15/12/2021 và đã thanh toán cổ tức tiền mặt hôm 17/1/2022.