Theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), tính đến hết quý 1 năm nay, huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 3% so với cuối năm 2017. Trong đó huy động tiền gửi bằng VNĐ tăng 3,7% còn tiền gửi bằng USD giảm 3,1%.
Như vậy tốc độ tăng trưởng huy động vốn năm nay cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng 2,6%. Trước đó năm 2017, huy động vốn đã tăng trưởng 16,9%, cao hơn chút ít so với mức tăng của năm 2016.
Tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn
Hồi cuối năm ngoái và đầu năm nay xuất hiện một số dự báo cho rằng kênh gửi tiết kiệm ngân hàng sẽ giảm phần nào sức hút bởi dòng tiền có thể dịch chuyển sang các kênh khác trong bối cảnh thị trường chứng khoán tiếp tục thăng hoa và bất động sản khởi sắc.
Tuy nhiên kết quả đạt được cho thấy thực tế việc gửi tiền vẫn hấp dẫn với nhiều người dân. Năm ngoái, tổng số vốn huy động được của các tổ chức tín dụng ước khoảng hơn 7 triệu tỷ đồng, trong đó các ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, VietinBank, Sacombank, ACB, MB và SHB chiếm khoảng 3 triệu tỷ. Và 3 tháng đầu năm nay, nếu tính theo số tuyệt đối thì cũng đã có thêm trên 200 nghìn tỷ gửi vào ngân hàng.
Tiền vẫn chảy vào ngân hàng ngày một nhiều ngay cả khi lãi suất sụt giảm. Từ đầu năm tới nay, lãi suất kỳ hạn ngắn ở đại bộ phận các ngân hàng (chiếm trên 80% thị phần) đã rời xa mức trần 5,5%/năm trong khi kỳ hạn dài cũng chỉ quanh mức 7%/năm, thấp hơn từ 0,2 đến 0,4 điểm phần trăm so với nửa cuối năm ngoái.
Ngoài ra, một số sự cố về tiền gửi của khách hàng bị mất do bị cán bộ ngân hàng lừa đảo, mà điển hình nhất là vụ xảy ra ở Eximbank gần đây, dường như không tác động tới người gửi tiền. Có chăng, theo phân tích của các chuyên gia, thì dòng tiền chỉ chuyển dịch từ ngân hàng "có tiếng" sang ngân hàng uy tín hơn.
Ngân hàng kỳ vọng dân gửi tiền nhiều và lâu hơn
Trong một khảo sát mới đây của Vụ Dự báo thống kê thuộc Ngân hàng Nhà nước cho thấy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tiền gửi bình quân quý 2 năm nay sẽ khoảng 4,71% - cao hơn nhiều so với con số đạt được trong quý 1, và tiền gửi cả năm sẽ tăng trưởng khoảng 16,65% - tương đương mức của năm 2017 và năm 2016.
Đáng lưu ý, các tổ chức tín dụng còn kỳ vọng các khoản tiền gửi từ 6 tháng đến 1 năm sẽ chiếm 83 - 86% tỷ trọng tiền gửi trong quý 2 và cả năm 2018, thay vì kỳ hạn ngắn dưới 6 thán) chiếm 77 - 82% như kết quả khảo sát thực hiện trước đó.
Có lẽ vì quá tự tin vào thị trường nên các ngân hàng cũng đã đề ra kế hoạch khá "tham vọng" cho huy động vốn năm nay. Chẳng hạn Eximbank đang trình cổ đông kế hoạch huy động vốn tăng tới 26% trong năm 2018, so với mức tăng trưởng chưa đầy 15% của năm 2017; LienVietPostBank không đặt mục tiêu tăng trưởng phần trăm nhưng kế hoạch huy động 170.000 tỷ thì cũng tương đương với tỷ lệ tăng khoảng 30% so với năm trước; hay như Techcombank đặt mục tiêu tăng trưởng huy động tới 40%...
Giấc mơ có thật?
TS. Bùi Quang Tín (Trường ĐH Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh) cho rằng, sự kỳ vọng của các ngân hàng như trên không chỉ bây giờ mới có mà là mong mỏi từ nhiều năm nay. Mong mỏi ấy lại càng cao hơn trong giai đoạn hiện nay, khi mà niềm tin của người dân không còn tốt như trước bởi tác động của những biến cố vừa qua, chẳng hạn như tiền gửi bỗng nhiên không cánh mà bay, lãnh đạo nhiều ngân hàng vướng vào vòng lao lý...
Tuy nhiên, để đạt được con số tiền gửi kỳ hạn 6 tháng đến dưới 1 năm tới hơn 80% tỷ trọng tiền gửi là điều vô cùng khó khăn.
Nguyên nhân đầu tiên, theo TS. Tín, là niềm tin của người dân một khi bị ảnh hưởng thì họ không muốn gửi kỳ hạn dài hơn, trong khi khả năng sinh lời của các kênh khác hiện rất tốt, như chứng khoán, bất động sản, khởi nghiệp...sẽ khiến họ cân nhắc kỳ hạn để gửi tiền.
Thứ hai là chênh lệch lãi suất giữa kỳ hạn ngắn và dài hơn là không nhiều, trong khi rủi ro thì lớn hơn nếu gửi kỳ hạn dài.
Thứ ba, người dân và doanh nghiệp thừa biết rằng khi ngân hàng khó huy động tiền như hiện nay thì rồi đến lúc các ngân hàng cũng phải tăng lãi suất huy động, đặc biêt là các ngân hàng nhỏ, nên nếu gửi kỳ hạn dài thì khách hàng sẽ bị thiệt.
Bốn là, GDP năm nay dự kiến sẽ tăng gần 7% thì mục tiêu lạm phát sẽ rất khó để kiểm soát dưới 4% và điều này cũng sẽ gây áp lực tăng với lãi suất.
Và năm là, trong bối cảnh các thị trường phát triển như hiện nay thì cầu vốn cho thị trường chứng khoán, bất động sản...cũng sẽ lớn theo và điều đó làm cho các ngân hàng dễ bị chạy đua lãi suất và do đó gửi tiền ngắn hạn sẽ được ưa thích hơn.