Trong báo cáo chuyên đề mới phát hành, Nhóm phân tích thuộc FiinRatings/ FiinGroup cho biết các ngân hàng hiện nay giữ danh mục trái phiếu doanh nghiệp (phi ngân hàng) quy mô 284.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 2,47% trên tổng tài sản sinh lời tại thời điểm 30/6/2022. Điều này cho thấy, cơ cấu TPDN trong hệ thống ngân hàng vẫn còn tương đối khiêm tốn.
Theo FiinGroup, trong nửa đầu năm, nhiều ngân hàng tăng cường phân bổ thêm tỉ trọng vào chứng khoán đầu tư để tối ưu hóa hiệu suất sử dụng vốn khi mà tốc độ huy động vốn còn nhanh hơn tăng trưởng tín dụng. Trước các biến động của thị trường TPDN, xu hướng này sau đó đã có dấu hiệu đảo chiều nhằm giảm bớt rủi ro, ngoài ra cũng để tạo dư địa cho vay ở các tháng cuối năm khi “room” tín dụng cạn kiệt.
Trong bối cảnh NHNN tiếp tục nâng lãi suất điều hành và nhiều thông tin bất lợi trên thị trường, lợi suất trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp đã đồng loạt quay đầu giảm giá trong thời gian qua do gia tăng cả lãi suất tham chiếu lẫn phần bù rủi ro. FiinGroup dự báo danh mục trái phiếu của vài ngân hàng tiếp tục ghi nhận lỗ chưa thực hiện trong quý tới.
Nhóm phân tích cũng cho rằng trong ngắn hạn, tác động trực tiếp của trái phiếu sang chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng sẽ thấp. Lý do là cơ cấu TPDN trong hệ thống ngân hàng vẫn còn tương đối khiêm tốn.
Bên cạnh đó, rủi ro tín dụng trong hệ thống sẽ có sự phân hóa rõ rệt, ít ảnh hưởng tới các ngân hàng có quy mô nắm giữ TPDN nhỏ so với tổng tài sản có sinh lãi, chất lượng TPDN đa dạng và được thẩm định rủi ro kỹ lưỡng. Đây cũng không phải một vấn đề lớn nếu ngân hàng có trích lập dự phòng giảm giá đầy đủ.
Tuy nhiên, FiinGroup nhận định trường hợp kênh TPDN không được sớm khai thông và tâm lý nhà đầu tư không được cải thiện sẽ tạo ra vấn đề thanh khoản lớn hơn. Các sự kiện vi phạm trái phiếu có thể tạo ảnh hưởng dây chuyền sang hệ thống tín dụng ngân hàng bởi một doanh nghiệp có khả năng cao rơi vào nhóm nợ xấu nếu vi phạm nghĩa vụ nợ.