Nhóm những người có tài sản từ 250.000 đến 1 triệu USD đang trở thành "chiến trường" mới cho các công ty tài chính trong bối cảnh lợi nhuận thặng dư sụt giảm thúc đẩy họ tìm kiếm nguồn doanh thu mới.
Theo báo cáo của tập đoàn tư vấn Boston, hiện trên thế giới có khoảng 76 triệu người thuộc nhóm này, với tổng tài sản đạt 18 nghìn tỷ USD và khoảng 4 triệu người khác sẽ gia nhập mỗi năm. Cuộc cạnh tranh để phục vụ họ đang ngày càng nóng lên giữa các ngân hàng, công ty fintech, các công ty quản lý tài sản và những môi giới online.
Các công ty quản lý tài sản trực thuộc những ngân hàng lớn như UBS, Morgan Stanley và Bank of America đang tập trung vào nhóm khách hàng có tốc độ tăng trưởng tài sản siêu nhanh, từ mức chục triệu USD lên tỷ USD. Tuy nhiên, phân khúc này cũng đang ngày càng ẩn chứa nhiều rủi ro hơn trong khi lợi nhuận thu được lại ít hơn vì các cơ quan quản lý tăng cường trấn áp hoạt động rửa tiền, trốn thuế và che giấu tài sản sau một loạt các vụ bê bối chấn động.
Công nghệ mới cho phép các ngân hàng cung cấp dịch vụ một cách tập trung và hiệu quả hơn. Tuy nhiên báo cáo của Boston cho rằng hầu hết vẫn chưa tìm ra được cách tiếp cận thực sự phù hợp với nhóm khách hàng này. Ban đầu họ thường cung cấp những dịch vụ quá cao cấp, thậm chí cử hẳn 1 chuyên viên chăm sóc riêng. Tuy nhiên sau đó các khách hàng có thể không được tiềm năng như kỳ vọng và ngân hàng lại vội vã giảm mức độ tương tác. Điều đó khiến khách hàng cảm thấy "như bị bỏ rơi".
Trong 5 năm tới, nhóm những người có tài sản từ 250.000 đến 1 triệu USD được dự báo sẽ tăng trưởng 6,2%. Theo Boston, châu Á và Mỹ sẽ là những nơi xuất hiện thêm nhiều triệu phú nhất.