Các nhà chức trách Trung Quốc đang phải đối mặt với một "thách thức khổng lồ" trong việc thuyết phục các công ty và hộ gia đình tăng cường vay vốn. Những đợt bùng phát dịch Covid-19 cùng chính sách không khoan nhượng của Bắc Kinh tạo ra một sự không chắc chắn, dẫn tới tâm lý phòng thủ bao trùm.
Trong tháng 4, tăng trưởng cho vay ở Trung Quốc đã rơi xuống mức tồi tệ nhất gần 5 năm qua. Một vài chỉ số cho thấy sẽ chẳng có gì khả quan hơn trong tháng 5. Doanh số bán nhà tiếp tục giảm, cho thấy người dân, doanh nghiệp thiếu quan tâm tới các khoản vay thế chấp cũng như nhu cầu tín dụng thấp từ các công ty bất động sản. Vật lộn để tìm đủ khách hàng, các ngân hàng đã hoán đổi khoản vay với nhau nhằm đạt chi tiêu về cho vay doanh nghiệp.
Việc Trung Quốc đóng cửa trung tâm tài chính Thượng Hải, ban bố nhiều quy định hạn chế ở Bắc Kinh cũng như khẳng định không khoan nhượng với Covid-19 trên toàn quốc khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất và cắt giảm việc làm, dẫn tới doanh thu sụt giảm và lợi nhuận lao dốc. Nhiều công ty đang trì hoãn kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Kịch bản này đặt ra thách thức với các nhà hoạch định chính sách, những người đang thúc đẩy các ngân hàng cho vay nhiều hơn. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuần trước đã yêu cầu các ngân hàng "dốc hết sức" trong việc tăng các khoản cho vay. Cơ quan này cũng thúc đẩy các ngân hàng giảm lãi suất thế chấp và kêu gọi họ ổn định cho vay trong lĩnh vực bất động sản.
Kết quả là hệ thống tài chính Trung Quốc đang tràn ngập tiền mặt và bất kỳ sự nới lỏng tiền tệ nào khác từ PBoC, chẳng hạn như cắt giảm lãi suất và bơm thanh khoản, có thể sẽ kém hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.
Dưới đây là 4 biểu đồ cho thấy nhu cầu tín dụng ở Trung Quốc có thể sẽ vẫn yếu trong tháng 5, ngay cả khi dịch Covid-19 bắt đầu giảm dần và các thành phố đang từng bước mở cửa trở lại.
Tỷ giá ngân hàng
Sự sụt giảm lãi suất đối với một loại khoản vay ngắn hạn liên ngân hàng là dấu hiệu cho thấy các ngân hàng không có nhiều doanh nghiệp tới vay. Cụ thể, lãi suất Chấp phiếu ngân hàng (Banker's Acceptances) kỳ hạn 1 tháng đã rơi xuống 0,01% vào tuần trước. Đây là lần thứ 4 kể từ tháng 12, tỷ giá này rơi về mức tiệm cận 0 vào cuối tháng.
Lãi suất Chấp phiếu ngân hàng các kỳ hạn đang rơi về mức tiệm cận 0.
Chấp phiếu ngân hàng thực chất là thương phiếu do doanh nghiệp phát hành được ngân hàng cam kết thanh toán cho người thụ hưởng một số tiền nhất định khi đến hạn. Nó được tính là khoản vay cho doanh nghiệp. Tỷ lệ gần bằng 0 đồng nghĩa với việc các ngân hàng gần như không yêu cầu chiết khấu đối với những giao dịch đó. Họ chỉ đang nỗ lực "đạt chỉ tiêu" cho vay mà các cơ quan quản lý đặt ra, ngay cả khi các doanh nghiệp không vay.
"Lãi suất gần bằng 0 cho thấy sự mất cân đối giữa cung và cầu tín dụng vẫn còn tồn tại", Wang Yifeng, trưởng bộ phận phân tích tại Everbright Securities Co., cho biết.
Nợ doanh nghiệp
Các công ty cũng không quan tâm tới việc bán nợ. Theo dữ liệu mà Bloomberg tổng hợp, số lượng trái phiếu doanh nghiệp trong nước được phát hành lần đầu tiên vào trong 7 tháng hồi tháng 5 vừa qua đã giảm 102 tỷ tệ (15,3 tỷ USD) so với giá trị đáo hạn lần đầu tiên trong 7 tháng vào tháng 5. Điều đó có nghĩa số nợ được trả nhiều hơn số tiền đã vay.
Lần hiếm hoi trong hơn 10 năm qua, số tiền đi vay thấp hơn so với số tiền trả nợ.
Sự co lại của các khoản vay đến ngay cả khi chi phí đi vay giảm đi. Đầu tháng này, chênh lệch giữa trái phiếu doanh nghiệp trong nước được xếp hạng AA với trái phiếu chính phủ đã tụt xuống mức hẹp nhất kể từ năm 2007.
Tài sản sụt giảm
Nhà chức trách Trung Quốc đang thực hiện nhiều bước đi phối hợp để thúc đẩy hoạt động cho vay trên thị trường bất động sản. PBoC đã cắt giảm kỷ lục lãi suất thế chấp trong tháng này và các ngân hàng giảm lãi suất cho vay 5 năm, dẫn đến lãi suất cho vay mua nhà giảm tới 35 điểm cơ bản. Các nhà chức trách cũng cho biết họ sẽ hỗ trợ nhu cầu nhà ở hợp lý và nhiều thành phố đang giảm lãi suất thế chấp, cho phép người dân từ các thành phố khác mua nhà hoặc có những cách tiếp cận linh hoạt khác để thúc đẩy doanh số bất động sản.
Doanh số bán nhà của Trung Quốc yếu trong tháng 5.
Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn thận trọng về việc thêm đòn bẩy. Doanh số bán bất động sản nhà ở tại 50 thành phố trọng điểm đạt 131,5 tỷ tệ trong 2 tuần đầu tháng 5, giảm 64% so với một năm trước. Sự sụt giảm cho thấy số liệu thế chấp có thể vẫn yếu trong tháng 5 sau khi giảm đi vào tháng 4, kéo theo các khoản vay hộ gia đình trung và dài hạn giảm theo.
"Nhu cầu nhà ở khó có thể tăng ngay lập tức. Người mua không chắc chắn rằng liệu các công ty bất động sản có thể giao nhà đúng tiến độ hay không, liệu giá nhà có giảm nữa hay không và liệu họ có khả năng trả các khoản vay hay không? Sự bùng phát trở lại của dịch bệnh làm giảm kỳ vọng của mọi người về thu nhập ổn định", các nhà phân tích nhận định.
Thanh khoản "ngập tràn"
Hệ thống ngân hàng ngập trong tiền mặt. Lãi suất mua lại qua đêm, thước đo chính của chi phí đi vay liên ngân hàng, đã ở mức dưới 2% trong hơn 2 tháng, quãng thời gian dài nhất trong 2 năm qua.
Chi phí vay qua đêm được duy trì ở mức dưới 2% trong suốt nhiều tháng.
Ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý ngân hàng tuần trước đã yêu cầu các bên cho vay thúc đẩy các khoản vay, yêu cầu các tổ chức tài chính lớn "gánh vác trách nhiệm, tận dụng mọi nguồn lực để kết nối hiệu quả với nhu cầu tín dụng và tăng cường truyền tài chính sách".
Wang của Everbright Securities cho rằng điều này có thể đã thức đẩy các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng quốc doanh, tăng tốc cho vay vào tuần cuối cùng của tháng 5. "Chúng ta hãy chờ xem số liệu của tháng này", Wang nói.
Tham khảo: CNBC