Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 9/6 đạt 8,15% so với cuối năm 2021, tương đương với mức tăng 17,1% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ này cao hơn nhiều so mức trung bình 12 - 14% được duy trì kể từ năm 2018. Sự mở rộng nhanh chóng của tín dụng đã khiến nhiều ngân hàng tiệm cận trần hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) được cấp hồi đầu năm.
Theo lãnh đạo các nhà băng, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp sau 2 năm Covid giống như ''cơn khát sau trận hạn hán'', nên tăng rất nhanh. Với ''room'' tín dụng hiện nay, chắn chắc sẽ không đáp ứng đủ. Vì vậy, đại diện nhiều nhà băng đã đề nghị NHNN nới hạn mức tăng trưởng tín dụng một cách phù hợp để các ngân hàng tham gia hỗ trợ khách hàng.
Thực tế, cơ chế kiểm soát trần tín dụng đối với các ngân hàng thương mại được NHNN áp dụng từ năm 2011, sau giai đoạn tăng trưởng nóng khiến lãi suất, lạm phát bị đẩy lên cao. Theo đó, mức trần tín dụng áp cho các tổ chức tín dụng bình quân là khoảng 13 - 14%, căn cứ vào tình hình lãi suất huy động vốn, dư nợ cho vay của năm trước, tỉ lệ nợ xấu, năng lực quản trị điều hành... Hàng năm, NHNN thường xem xét cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng vào đầu quý I, rồi sẽ thực hiện điều chỉnh 1 – 2 lần để phù hợp với mục tiêu điều hành.
Gần nhất, năm 2021, NHNN đã có 2 đợt nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng. Lần 1 diễn ra vào trung tuần tháng 7 và lần 2 thực hiện vào cuối tháng 11.
Trong năm ngoái, TPBank là nhà băng được cấp ''room'' tín dụng cao nhất, lên đến 23,4%; ba ngân hàng khác được cấp hạn mức trên 21% bao gồm Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MB (21%). Theo sau lần lượt là VIB (19,1%), VPBank (17,1%), Vietcombank (15%), OCB (15%), ACB (13,1%), VietinBank (12,5%), BIDV (12%),...
Năm 2022, nhiều tổ chức phân tích ước tính tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức cao hơn khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục. Do vậy, các ngân hàng cũng sẽ được cấp ''room'' tín dụng nhiều hơn nhằm tạo điều kiện mở rộng cho vay, hỗ trợ khách hàng. Trong đó, những nhà băng tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém như Vietcombank và MB sẽ có cơ hội tăng trưởng ở mức rất cao.
Trả lời về đề xuất nới ''room'' tín dụng của các ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết ngay từ khi phân bổ hạn mức tín dụng kỳ đầu tiên, NHNN đã nhận thấy tín dụng năm nay sẽ tăng mạnh hơn năm trước rất nhiều. Tuy nhiên, điều quan trọng là kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức độ nào để kiểm soát lạm phát.
"Tăng trưởng tín dụng nóng dẫn đến kiểm soát lạm phát khó khăn. Ngược lại, thắt chặt tín dụng thì không thể tăng trưởng kinh tế. Do vậy, room tín dụng phải giải quyết thỏa đáng'', ông Tú cũng cho biết thêm: ''Nới hạn mức tăng trưởng tín dụng là một đề xuất rất cần thiết của các ngân hàng thương mại. Và cơ quan quản lý cũng sẽ xem xét, tính toán, điều hành khối lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế. Trong đó, tăng trưởng tín dụng đầu tiên là phải phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, phù hợp với chính sách lãi suất và các quan hệ vĩ mô khác; đồng thời tạo dư địa để cho chính sách hỗ trợ lãi suất 2% được thực hiện".
Thực tế, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay vào khoảng 14% và con số đã đạt được đến ngày 9/6 là 8,15%, giới phân tích dự báo NHNN sẽ sớm cấp thêm ''room'' cho các ngân hàng.
Nói về thời điểm nới ''room'' tín dụng, SSI Research cho rằng NHNN sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng vào thời điểm hợp lý, kỳ vọng có thể diễn ra vào cuối quý III/2022 và mức điều chỉnh sẽ phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của từng ngân hàng.
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc khối phân tích khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng nhận định hạn mức tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới sẽ tăng lên. Điều này là bởi 2 năm Covid vừa qua, các doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng rất nhiều, nhất là ở nhóm dịch vụ. Nếu không được bơm vốn các doanh nghiệp có thể không phục hồi được. Việc các doanh nghiệp không thể vực dậy được có thể gây ra áp lực nợ xấu, điều này là không tốt cho cả hoạt động tín dụng lẫn nền kinh tế.
Theo chuyên gia này, các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, tài chính lành mạnh, bộ đệm vốn tốt sẽ được ưu tiên giao room tăng trưởng tín dụng cao hơn. Vì thế, bên cạnh việc trông chờ vào cơ chế "xin - cho", các ngân hàng có thể chủ động phát hành thêm cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ lại để tăng vốn điều lệ, tăng tỷ lệ an toàn vốn để có thể tiếp tục cho vay.