Môi trường kinh doanh vẫn tiếp tục đà cải cách. Tuy nhiên, những “ngôi sao cải cách”, đã ít có sự bứt phá hơn, cho thấy đà cải cách có phần chững lại.
“Gập ghềnh” cải cách
Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, môi trường kinh doanh ngày tích cực hơn, nhưng vẫn còn nhiều “gập ghềnh”.
Các DN cho biết, thủ tục hành chính đã được cắt giảm, đơn giản hóa hơn. Năm 2020 có 66,5% DN tư nhân đánh giá thủ tục giấy tờ đơn giản, tăng so với 49,5% của năm 2016. Có 76% số doanh nghiệp cho rằng thời gian thực hiện thủ tục được rút ngắn hơn so với quy định, tăng so với 67% của năm 2017. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cũng tốt hơn khi có 84% DN cho biết cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả, tăng mạnh so với 58% năm 2016.
Tuy nhiên, với các lĩnh vực đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội các thủ tục hành chính vẫn còn nhiều phiền hà.
Chẳng hạn với lĩnh vực đất đai 3 khó khăn lớn các doanh nghiệp gặp phải là thời hạn giải quyết hồ sơ dài hơn quy định, cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ, thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất mất nhiều thời gian. Vì vậy, có 32% DN đã phải chi trả chi phí không chính thức trong giải quyết thủ tục đất đai.
Ngoài ra, các thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh doanh có điều kiện, chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy và phê duyệt đánh giá tác động môi trường, chứng nhận an toàn lao động, chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật và chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự… thời gian qua gây nhiều khó khăn với các doanh nghiệp.
Thủ tục giấy tờ phức tạp, hướng dẫn thực hiện không rõ ràng, yêu cầu bổ sung hồ sơ tùy tiện, lệ phí cao, khiến cho thời gian chờ đợi kéo dài, dẫn đến doanh DN phải “lót tay” để được cấp phép.
Với các doanh nghiệp FDI, chỉ có 45,4% cho rằng hệ thống thủ tục, quy định tại Việt Nam thuận lợi hơn các quốc gia khác mà họ đầu tư. Thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hải quan, thuế, an toàn phòng chống cháy nổ, bảo hiểm xã hội, thành lập doanh nghiệp, gây nhiều khó khăn phiền hà nhất.
Chẳng hạn, trong các thủ tục thuế, các doanh nghiệp FDI đánh giá việc quyết toán thuế, hoàn thuế, không thu thuế là khó thực hiện nhất với 51%. Còn với thủ tục thành lập doanh nghiệp, phiền hà nhất là khâu khai trình việc sử dụng lao động, kiểm tra tên DN để tránh trùng lặp, công bố thông tin trên công thông tin quốc gia về đăng ký DN… Ngoài ra, có tới 40% số doanh nghiệp FDI cho biết họ gặp khó khăn với thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI, còn 20% DN đánh giá cán bộ nhà nước trong xử lý công việc chưa hiệu quả, chưa thân thiện, 22% doanh nghiệp phải bỏ ra 10% quỹ thời gian của lãnh đạo để lo thủ tục hành chính, hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN tới 54,1%, cho thấy nỗ lực cải cách trong những năm qua còn nhiều “gập ghềnh”.
Tính minh bạch giảm
Đặc biệt, theo báo cáo PCI, chỉ số tính minh bạch của nhiều địa phương đã giảm mạnh trong năm 2020.
Có tới 57,4% doanh nghiệp tham gia điều tra PCI 2020 phản ánh, cần có mối quan hệ với cán bộ cơ quan chính quyền, để có được các tài liệu của địa phương. Việc tiếp cận văn bản quy hoạch ở cấp tỉnh vẫn khó khăn, chưa có cải thiện đáng kể so với những năm trước đó.
Chất lượng thông tin trên website chính quyền các tỉnh năm 2020 chỉ ở mức 34,5 điểm trên thang điểm 50, tăng nhẹ so với 31 điểm của năm 2016. Cùng với chất lượng thông tin trên website của chính quyền tỉnh ít cải thiện, tỷ lệ doanh nghiệp thường xuyên truy cập website chính quyền tỉnh chỉ còn 52,3% năm 2020, so với con số 76,8% năm 2016.
Đáng chú ý, chỉ có 56,3% DN nhận được phản hồi sau khi đề nghị các cơ quan chính quyền tỉnh cung cấp thông tin. Con số này đã giảm rõ rệt từ con số 71,4% của năm 2017, năm đầu tiên chỉ tiêu này được đưa vào thu thập. Tỷ lệ DN cho biết có thể thường xuyên hoặc luôn luôn dự đoán được việc thực thi các quy định pháp luật, vẫn chưa có cải thiện đáng kể. Tỷ lệ này trong những năm gần đây chỉ xung quanh mức 5-6%.
Báo cáo chỉ ra rằng, một số loại thông tin có tỷ lệ DN gặp khó khăn khi tiếp cận tương đối cao, đó là bản đồ, quy hoạch sử dụng đất (51%), kế hoạch đầu tư công (50%), tài liệu ngân sách (48%), quy hoạch ngành, lĩnh vực (47%), kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới (45%), chính sách ưu đãi đầu tư (40%).
Ngoài ra, có tới 73,5% số doanh nghiệp cho biết có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực thi tốt ở các sở ngành và 60% cho biết lãnh đạo tỉnh có chủ trương chính sách đúng đắn, nhưng không được thực hiện tốt ở cấp huyện. Hai chỉ tiêu này có mức độ cải thiện chậm theo thời gian.
Báo cáo PCI 2020 cũng cho thấy, chỉ có 41% doanh nghiệp, dự kiến sẽ mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới, giảm hơn 10% so với năm 2019. Điểm số PCI cũng giảm nhẹ so với năm 2019 và các “ngôi sao cải cách”, những tỉnh dẫn đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh đã ít có sự bứt phá hơn, cho thấy đà cải cách có phần chững lại.
Trần Thủy