Gần 1 tháng kể từ khi trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên xuất hiện tại Singapore, thu nhập của cô Patricia Zhuang đã giảm xuống còn một nửa, chỉ còn dưới 1.000 SGD. Nhân viên bán hàng 37 tuổi này làm việc tại Vivy Boutique, một cửa hàng quần áo tại Novena Square. Zhuang từ một nhân viên toàn thời gian đã trở thành nhân viên bán thời gian theo biện pháp cắt giảm chi phí của công ty. “Bây giờ, tôi chỉ kiếm đủ tiền tiêu vặt cho mình”, chị nói.
Câu chuyện tương tự đối với ông Rex Xu, một người quản lý tại Ker’s Hair Salon, tại Jurong East. Khách đến tiệm ngày càng ít đã khiến lợi nhuận giảm đến 50%, ông chủ tiệm làm tóc chia sẻ.
Virus corona hiện đã lan sang 29 quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Tính đến ngày 25/2, Singapore đã ghi nhận 90 ca nhiễm bệnh. Virus corona không chỉ gây ra một loạt ca tử vong mà nó còn để lại những ảnh hưởng nặng nề về kinh tế.
Khi các nhà chức trách ở Singapore cố gắng ngăn chặn sự lây lan của virus thông qua các biện pháp khác nhau, chẳng hạn như lệnh cấm du lịch đối với những người không cư trú đến Trung Quốc gần đây, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ và thực phẩm và đồ uống (F&B) đã ghi nhận lượng khách du lịch giảm mạnh và cùng với đó là người dân nước này cũng thờ ơ với việc chi tiêu. Trong khi đó, ngành bán lẻ vốn tồn tại nhiều thách thức và chịu ảnh hưởng do căng thẳng thương mại Mỹ và Trung Quốc.
Hoàn cảnh của cô Zhuang và ông Xu không phải là hiếm trong số các nhân viên bán lẻ và F&B, dựa trên các báo cáo của 8 địa điểm khác nhau trong tuần qua để tìm hiểu cách các doanh nghiệp trong các lĩnh vực này đối phó với sự sụp đổ kinh tế khi COVID-19 bùng nổ.
Hôm 17/2, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore đã hạ dự báo tăng trưởng cả năm 2020 của Singapore xuống còn 0,5% đến 1,5% - với khả năng suy thoái có thể xảy ra - từ mức dự báo ban đầu là 0,5% đến 2,5%. Thủ tướng Lý Hiển Long trước đó đã nói rằng COVID-19 đã có tác động lớn hơn đến nền kinh tế so với khi Singapore so với thời gian SARS bùng phát nặng nề vào năm 2003, và có thể sẽ kéo dài hơn.
Phố ẩm thực heo hút, doanh số bán lẻ sụt giảm
Với những quy định hạn chế đi lại đối với những người không cư trú đã đến Trung Quốc trong 14 ngày qua, không có gì ngạc nhiên khi các điểm du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tại khu phố Tàu, nhân viên và chủ của một số cơ sở cho biết doanh số đã giảm 80%.
"Công việc kinh doanh đã giảm sút đến mức hàng quán rất yên tĩnh, không có ai trong suốt thời gian buổi tối. Mọi người ở đây đều rất lo lắng, điều đó thật đáng sợ", bà Kathy Fan, đồng sở hữu nhà hàng Việt Nam Co Ba Quan, nằm dọc theo Phố ẩm thực của khu phố Tàu cho hay. Theo ghi nhận thì dọc theo cả dãy phố ẩm thực của khu phố Tàu thì các cửa hàng ở đây hầu như vắng bóng khách.
Nhưng sự sụt giảm bán lẻ vượt xa hơn thế - người tiêu dùng cũng đang tránh né các nhà bán lẻ và các cửa hàng F&B ở nơi khác. Tại sân bay Jewel Changi, nhân viên bán hàng nói rằng việc kinh doanh đã giảm tới 70%. Hàng dài người xếp hàng tại các cửa hàng đồ ăn nhanh Shake Shack và A&W cũng ngắn hơn rõ rệt. Và không chỉ là các cửa hàng bán lẻ tại các địa điểm du lịch đã bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp ở vùng trung tâm từ Simei đến Jurong East cũng báo cáo doanh số sụt giảm.
Các báo cáo cũng cho hay tại Trung tâm tài chính Vịnh Marina, các công ty và doanh nghiệp đã yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà. Trung tâm thương mại Marina Bay Link vốn là một nơi rất đông đúc, giờ đây trở thành "toà nhà nhà ma", bà Lyn Lee, người sáng lập Awfully Chocolate cho biết .
Thời gian mở cửa ngắn hơn, nhân viên được yêu cầu nghỉ không lương
Với doanh số giảm 80%, một quán ăn cho biết nhân viên đã được yêu cầu nghỉ việc vì không còn cần phải có số nhân lực thông thường là 5 người phục vụ vào một ngày trong tuần. Ngay cả các nhà hàng chỉ mở vài buổi tối cũng phải đối mặt với cùng một vấn đề trên.
Tình trạng "không có giao dịch mua bán" cũng đang xảy ra tại các cửa hàng bán lẻ. Có những cửa hàng nói rằng đã có vài ngày cửa hàng không phát sinh một giao dịch nào. Có những ngày họ chỉ kiếm được 15 đô la Singapore.
Trên khắp hòn đảo, một số chủ doanh nghiệp cho biết họ đã bắt đầu triển khai các biện pháp cắt giảm chi phí tương tự, chẳng hạn như giảm số lượng nhân viên bán thời gian, hoặc rút ngắn thời gian làm việc của nhân viên toàn thời gian. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của những nhân công này. Một số công nhân cũng lên tiếng lo ngại về việc mất việc nếu công ty của họ tiếp tục chứng kiến hoạt động kinh doanh trì trệ trong vài tháng tới.
Người tiêu dùng không muốn ra khỏi nhà
Khi các công ty cho phép nhân viên làm việc từ xa và nhiều cá nhân chọn ở nhà, không có gì đáng ngạc nhiên khi các trung tâm thương mại đang chứng kiến sự sụt giảm thảm hại trong doanh số, do đó ảnh hưởng đến các doanh nghiệp của các nhà bán lẻ và các cửa hàng F&B.
Sắp xếp nhân sự làm việc tại nhà có nghĩa là các cơ sở F&B trong khu vực văn phòng sẽ chứng kiến lượng khách vào buổi trưa ít hơn. Tuy nhiên, doanh số bán hàng tại các cửa hàng trong khu dân cư cũng không tăng lên.
Để giảm nguy cơ lây nhiễm, cô Doreen Yeow bắt đầu làm việc tại nhà bất cứ khi nào có thể, ngay cả trước khi công ty đưa ra yêu cầu chính thức. Bữa trưa của cô bây giờ bao gồm các món ăn nấu tại nhà, vì kỹ sư 38 tuổi không còn đi đến những nơi đông người, như trung tâm thương mại. "Tôi không hề bước ra khỏi nhà," cô nói. Cô chỉ rời khỏi nhà 2 lần trong tuần qua, 1 lần để thăm cha mẹ và 1 lần khác để tham gia một lớp học.
Trong khi đang kêu gọi sự giúp đỡ từ các ngành bán lẻ và F&B do sự bùng phát COVID-19, Phó Thủ tướng Vương Thuỵ Kiệt hôm 18/2 đã thông báo về 2 gói hỗ trợ đặc biệt với tổng trị giá 5,6 tỷ SGD để giúp các công ty và công nhân, cũng như các hộ gia đình.