Báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất của SSI cho biết, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước thu hẹp quy mô phát hành tín phiếu qua đó bơm ròng 11.000 tỷ đồng qua kênh này, lượng tín phiếu lưu hành giảm xuống còn 39.000 tỷ đồng.
Kênh OMO không phát sinh giao dịch, lượng OMO lưu hành duy trì ở mức 0. Lãi suất trên liên ngân hàng tăng nhẹ lên 3,08%/năm với kỳ hạn qua đêm và 3,2%/năm với kỳ hạn 1 tuần, chênh lệch lãi suất VND-USD ở mức 0,7%/năm.
Lãi suất huy động thị trường 1 ổn định ở mức 4,1%-5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, từ 5,5-7,55%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng, 6,4-8%/năm với kỳ hạn 12 và 13 tháng. Cá biệt, một số ngân hàng có thị phần huy động nhỏ áp dụng mức lãi suất 8-8,2%/năm với kỳ hạn từ 9 đến 13 tháng, có điều chỉnh tăng so với giai đoạn trước từ 10-20 điểm phần trăm.
Nguồn: SSI.
SSI cho biết, theo báo cáo tài chính bán niên của 18 ngân hàng thương mại niêm yết, đến hết tháng 6/2019, cho vay khách hàng tăng 8,2% so với hồi đầu năm trong khi tiền gửi khách hàng chỉ tăng 7,4%. Nếu tính tổng nguồn vốn huy động (gồm tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá), mức tăng trưởng nửa đầu năm 2019 là 8,4%.
Tổng lượng giấy tờ có giá đã phát hành của 18 ngân hàng thương mại niêm yết tại 30/6/2019 là 340,5 nghìn tỷ đồng, tăng 71 nghìn tỷ đồng - tương đương 21% so với tại cuối 2018.
"Tuy nhiên, tổng lượng trái phiếu các tổ chức tín dụng mà những ngân hàng này nắm giữ cũng tăng thêm 56,5 nghìn tỷ đồng nên không loại trừ giả thiết các ngân hàng thương mại đang mua chéo trái phiếu của nhau để tăng quy mô, tỷ trọng huy động vốn trung và dài hạn. Vì thế, nhu cầu huy động tiền gửi từ khách hàng vẫn ở mức cao", SSI nhận định.