Bằng cách vay cổ phiếu, các nhà đầu tư bán không có thể bán những gì họ không sở hữu. Nếu giá giảm, họ sẽ mua cổ phiếu với mức giá rẻ hơn để trả lại cho người vay (kèm với lãi) và bỏ túi số tiền chênh lệch. Giả sử cổ phiếu giảm đủ lớn và chi phí đi vay không quá cao, các nhà đầu tư bán khống có thể kiếm tiền trong khi các nhà đầu tư truyền thống đau đầu khi thị trường giảm.
Nhiều giám đốc điều hành các công ty, tập đoàn ghét trò chơi này và những người tham gia. Trong khi đó, nếu một gã khổng lồ với giá trị vốn hóa lớn rơi 44% từ đỉnh, chắc hẳn nhiều quỹ đầu cơ và các nhà đầu tư bán khống sẽ mở rượu ăn mừng. Điều đó đúng với nhiều trường hợp, ngoại trừ sự việc của Tencent.
Gã khổng lồ mạng Internet của Trung Quốc đã mất tới 250 tỷ USD giá trị vốn hóa trong 9 tháng qua. Tuy nhiên, những nhà đầu tư bán khống gần như chẳng được gì. Một biểu đồ của Markit cho thấy chưa tới 0,3% cổ phiếu Tencent được bán khống. Mức cao nhất trong năm qua cũng chỉ là 0,48% vào tháng 11/2017.
Tỷ lệ cổ phiếu mà các nhà đầu tư bán khống nắm giữ của Tencent trong vài năm qua.
Hiện tại, các quỹ quản lý hoặc quỹ ủy thác đầu tư đang nắm giữ 35% cổ phần công khai của Tencent. Cổ phiếu này chiếm một vị trí độc đáo trong mắt các nhà đầu tư vì nó là cổ phiếu công nghệ lớn của Trung Quốc – một thị trường đang phát triển mạnh mà không phải ở Mỹ. Cổ phiếu Tencent cũng là cái tên lớn trong dòng các loại cổ phiếu công nghệ ngoài thị trường Mỹ.
Quỹ ETF chiếm 16,6 cổ phiếu Tencent, một tỷ lệ tăng vốn 1/3 trong 3 năm qua. Tuy nhiên, các quỹ đầu cơ chỉ chiếm 0.07% số cổ phiếu. Đây là con số rất khiêm tốn nếu so với 4,5% của Alibaba, một công ty công nghệ đồng hương khác của Tencent đang được niêm yết ở Mỹ. Trong khi đó, các quỹ ETF chỉ nắm giữa 5,7% cổ phiếu của công ty thương mại điện tử Trung Quốc.
Cho dù giá trị vốn hóa của Tencent sụt giảm nghiêm trọng trong năm nay, các nhà đầu tư bán khống gần như không có mặt để hưởng thành quả ấy. Việc một số nhà đâu tư buộc phải bán cổ phiếu Tencent để phù hợp với dòng vốn có thể giúp một số nhà đầu tư bán khống kiếm tiền nhất là khi cổ phiếu này vẫn đang sụt giảm. Tuy nhiên, con số này không thực sự nhiều.
Ở thời điểm hiện tại, Tencent có giá trị vốn hóa khoảng 320 tỷ USD. Nó là một trong những công ty sụt giảm giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới trong năm nay. Đầu tháng 1, Tencent vẫn là công ty có giá trị vốn hóa tăng trưởng tốt nhất thế giới, với con số 67.000% kể từ khi IPO. Tencent nổi tiếng trong lĩnh vực trò chơi điện tử online và nền tảng OTT WeChat cùng mảng tài chính di động mới.