Các nền kinh tế hàng đầu thế giới đều phải vật lộn với lạm phát bị đè nén trong thập kỷ qua. Điều đó có nghĩa là sự tăng giá tăng dần, được coi là lành mạnh về mặt kinh tế, đã không diễn ra. Do đó, các ngân hàng trung ương đã giữ lãi suất thấp kể từ năm 2008 trong nỗ lực tạo ra lạm phát giá. Tuy nhiên, hành động của họ không thể đẩy giá tiêu dùng đến nơi họ muốn.
Nhiều người tham gia thị trường tin rằng điều này khó có thể thay đổi sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát với lý do là quy mô của cú sốc kinh tế cũng như tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.
"Trong khi nền kinh tế Mỹ và toàn cầu ở giữa một trong những đợt suy thoái sâu nhất với sản lượng thấp nhất được ghi nhận, hầu hết các nhà đầu tư mà chúng tôi nói chuyện đã không chia sẻ quan điểm của chúng tôi về những nguy cơ lạm phát cao hơn", Morgan Stanley cho biết.
Tuy nhiên, phía ngân hàng khẳng định cuộc suy thoái do Covid-19 gây ra sẽ rất khác so với cuộc suy thoái năm 2008. Morgan Stanley tin rằng một khoản tiền khổng lồ được bơm vào nền kinh tế để giữ mọi người có việc làm và hỗ trợ những người thất nghiệp có thể tạo ra sự khác biệt trong việc khiến lạm phát tăng cao.
Quốc hội Mỹ đang thảo luận về một vòng cứu trợ thứ 2 trị giá 1.200 tỷ USD nhằm hỗ trợ người Mỹ vượt qua cú sốc kinh tế đang diễn ra. Nó càng khiến cho lạm phát có thể sẽ cao hơn so với dự kiến và lãi suất cuối kỳ có thể tăng lên. Trong khi đó, rất ít danh mục đầu tư được chuẩn bị để đối phó với viễn cảnh này. Những thay đổi xảy ra nhanh có thể khiến thị trường trở tay không kịp.
Vào tháng 6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ước tính tỷ lệ lạm phát là 0,8% cho năm 2020 và 1,6% cho năm 2021. FED muốn kiểm soát lạm phát ở mức xung quanh 2%.
Trước đó, chính Morgan Stanley cũng cảnh báo rằng các gói kích thích chưa từng có tiền lệ và gánh nặng nợ quốc gia sẽ tạo ra lạm phát đáng kể trong những năm tới. Năm 2022, lạm phát có thể vượt ngưỡng mục tiêu mà FED đề ra. Điều này đặt ra rủi ro mới cho chu kỳ kinh doanh và việc mở rộng trong tương lai có thể ngắn hơn.
Trong khi đó, nợ công ở Mỹ đã lần đầu vượt 25.000 tỷ USD và có thể tiếp tục tăng khi Mỹ đang xem xét bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Lạm phát cao có thể làm giảm gánh nặng nợ công của Mỹ nhưng nó thường dẫn đến lãi suất cao hơn và chi phí tài chính đắt đỏ hơn. Điều này rõ ràng sẽ gây áp lực lên các hoạt động sản xuất, kinh doanh và cả nền kinh tế.