Nhờ cấu trúc cổ phần của công ty, các nhà đầu tư công khai - ngay cả khi sở hữu số cổ phiếu trị giá 1 tỷ USD - cũng chẳng có nhiều tiếng nói có tính chất quyết định tương lai của Facebook.
Hiện tại, Facebook có hai lớp cổ phần: Lớp A giao dịch dưới nhãn "FB" trên các sàn công khai và có giá trị 1 phiếu bầu/cổ phần; và Lớp B chỉ dành cho những người trong công ty, có giá trị 10 phiếu bầu/cổ phần.
Zuckerberg sở hữu rất nhiều cổ phiếu Lớp B, và do đó nắm giữ 60% quyền lực bầu cử. Anh này còn là Chủ tịch của Facebook. Nói cách khác, nếu Zuckerberg muốn điều gì đó xảy ra tại Facebook, nó sẽ xảy ra.
Ở thời điểm hiện tại, khi cả Zuckerberg và Facebook đều đang chịu sự dò xét chính trị cực kỳ gắt gao sau vụ scandal dữ liệu Cambridge Analytica, các nhà đầu tư - kiêm nhà hoạt động - vốn chẳng có chút quyền lực tại Facebook, đã nhanh chóng tận dụng thời cơ này để chỉ trích cấu trúc của công ty.
Michael Frerichs - một kế toán trưởng tại Illinois - là nhà đầu tư mới nhất tìm cách kêu gọi Zuckerberg rời khỏi vị trí Chủ tịch.
"Trên thực tế, anh Zuckerberg không còn khả năng chịu trách nhiệm nữa" - Frerichs nói - "Không phải ban quản trị, cũng không phải các cổ đông. Ngay lúc này, anh Zuckerberg là ông chủ của riêng mình và rõ ràng chẳng làm được gì".
Frerichs đang quản lý các quỹ tiết kiệm trường học cho các công dân Illinois, và được biết đến với việc thường xuyên sử dụng các khoản đầu tư để gây áp lực buộc các công ty phải làm điều tốt. Cổ phần của ông tại Facebook hiện không rõ là bao nhiêu.
Michael Frerichs
Điều chắc chắn ở đây là ông đang "chống lưng" một kế hoạch khởi xướng bởi Kiểm soát viên New York Scott Stringer - người đã từng kêu gọi Zuckerberg rời khỏi vị trí Chủ tịch hồi đầu tháng này.
Stringer - người giám sát các quỹ với gần 1 tỷ USD cổ phiếu tại Facebook - muốn một vị Chủ tịch độc lập và 3 thành viên Ban Quản trị mới có chuyên môn về các chuẩn mực đạo đức và quyền riêng tư dữ liệu.
Ý kiến của ông rất đơn giản: vụ việc Cambridge Analytica - vốn thu thập dữ liệu của hàng triệu người dùng Facebook - đã thổi bay 60 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường của công ty. Sự kiểm soát của Zuckerberg đối với Facebook khiến cổ phiếu của công ty rất dễ bị ảnh hưởng xấu mỗi khi anh này "lỡ" đi sai một bước lớn - và điều này gây ảnh hưởng lớn đến các cổ đông đang lo "sốt vó", những người dường như chẳng có quyền lực để làm bất kỳ điều gì đối với công ty.
Zuckerberg sẽ không từ bỏ quyền kiểm soát dễ dàng như vậy. Tỷ phú trẻ tuổi này đã phát biểu vào đầu tháng này rằng: "Một trong những điều làm tôi cảm thấy cực kỳ may mắn khi Facebook có được đó là cấu trúc của công ty - một thứ mà đến phút cuối - nó vẫn giúp Facebook nằm trong tầm kiểm soát".
"Chúng tôi không chạy theo những ý định nhất thời của các cổ đông ngắn hạn. Chúng tôi thực sự có thể thiết kế các sản phẩm và các quyết định mà dần dần sẽ trở thành điều tốt nhất cho cộng đồng".
Tham khảo: BusinessInsider