Đà sụt giảm của thị trường chứng khoán từ sau khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine sẽ khiến các nhà đầu tư tổ chức lớn phải cơ cấu lại tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư để đảm bảo các vị thế này phù hợp với chiến lược phân bổ tài sản dài hạn của họ. Việc tái cơ cấu danh mục dự kiến diễn ra vào cuối quý I, tức là cuối tháng 3 này.
Theo JPMorgan Chase, các nhà đầu tư lớn, như quỹ hưu trí của Mỹ hay quỹ đầu tư quốc gia, có thể chuyển 230 tỷ USD từ thị trường trái phiếu sang cổ phiếu trong những tuần tới và sự dịch chuyển này được cho là sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán toàn cầu đang bị rúng động bởi khủng hoảng địa chính trị Nga – Ukraine.
Nikolaos Panigirtzoglou, chiến lược gia tại JPMorgan, cho biết: “Dòng tiền lớn trong đợt tái cân bằng danh mục sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán vào cuối tháng này”.
Đợt tái cơ cấu này diễn ra trong bối cảnh những quỹ có mục tiêu phân bổ cụ thể, như 60% tài sản vào cổ phiếu và 40% vào trái phiếu, muốn điều chỉnh lại tỷ trọng các loại tài sản trước thời điểm phải báo cáo hàng quý.
JPMorgan cũng ước tính rằng các thị trường chứng khoán có thể đón nhận thêm dòng vốn 24 tỷ USD trong tháng này từ những quỹ tương hỗ của Mỹ vốn đầu tư vào cả trái phiếu và cổ phiếu. Các quỹ hưu trí của Mỹ, với tổng tài sản quản lý vào khoảng 8.000 tỷ USD, sẽ cần chuyển 126 tỷ USD từ trái phiếu sang cổ phiếu trong tháng 3 để đảm bảo rằng danh mục đầu tư của họ vẫn đi đúng hướng để đạt được mục tiêu lợi nhuận dài hạn.
Là quỹ hưu trí lớn nhất thế giới với tổng tài sản 1.600 tỷ USD, Quỹ đầu tư Hưu trí Chính phủ của Nhật Bản có thể chuyển 40 tỷ USD sang cổ phiếu. Quỹ đầu tư dầu mỏ 1.300 tỷ USD của Na Uy, cũng là quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới, có thể chuyển 22 tỷ USD. Đà tăng của giá dầu từ đầu năm 2022 đến nay cũng sẽ mang lại cho quỹ Norges Bank Investment Management thêm doanh thu, thứ mà sau đó có thể được chuyển thành dòng vốn bổ sung vào thị trường cổ phiếu.
Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ cũng tăng lượng cổ phiếu nắm giữ sau khi tích lũy thêm dự trữ ngoại tệ thông qua các biện pháp can thiệp nhằm kiềm chế sức mạnh của đồng franc Thụy Sĩ kể từ năm 2008. Theo ước tính của JPMorgan, cơ quan này có thể phân bổ 15 tỷ USD vào cổ phiếu trước khi kết thúc tháng 3, đảo ngược xu hướng bán 12 tỷ USD cổ phiếu trong quý IV/2021.
Lượng tiền mặt mà các nhà đầu tư lớn nắm giữ tăng mạnh trong những tuần gần đây, cao hơn mức ghi nhận được vào tháng 3/2020, thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát và các biện pháp phong toả kìm hãm hoạt động kinh tế. Xu hướng gia tăng lượng tiền mặt nắm giữ kể từ đầu năm nay cho thấy những lo ngại về tác động của căng thẳng địa chính trị ở Ukraine và nguy cơ giá hàng hóa tăng mạnh có thể kéo châu Âu vào một cuộc suy thoái kinh tế.
Ông Panigirtzoglou cho biết các thị trường chứng khoán châu Âu đang đánh giá 78% khả năng khu vực này rơi vào suy thoái, còn thị trường Mỹ dự đoán có 50% khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới gặp tình trạng tương tự. Ngược lại, giới đầu tư trên cả thị trường trái phiếu Mỹ và châu Âu đều tỏ ra lạc quan hơn về triển vọng kinh tế và cho rằng rủi ro suy thoái kinh tế thấp hơn dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu dự kiến tăng lãi suất trong năm nay.
Theo Inigo Fraser-Jenkins, nhà phân tích cấp cao tại AllianceBerntein, quá dễ dàng để nhận thấy dấu hiệu tiêu cực về triển vọng thị cổ phiếu khi định giá cổ phiếu đang ở mức cao và rủi ro kinh tế ngày càng lớn do xung đột Nga – Ukraine, sự cần thiết của việc siết chính sách tiền tệ để giải quyết lạm phát.
“Giới đầu tư sẽ phải đưa ra những lựa chọn nhạy bén hơn. Khả năng thu lợi nhuận thấp trong tương lai buộc mọi người phải xem xét lại danh mục đầu tư. Tuy nhiên, cổ phiếu vẫn là khoản đầu tư cốt lõi trong danh mục của bất kỳ nhà đầu tư nào đang tìm cách bảo vệ mình khỏi lạm phát, dù đó là quỹ hưu trí, quỹ đầu tư quốc gia hay văn phòng gia đình”, ông Fraser-Jenkins nói.