Thương vụ hời của "shark" Liên tại nhà máy nước mặt Sông Đuống diễn ra cách đây gần 1 năm đã đặt ra những câu hỏi về an ninh nguồn nước, cũng như "độ mở" đối với dòng vốn tư nhân, vốn nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực thiết yếu này.
Khi ấy, dự án có tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng, cung cấp nước sạch cho hàng nghìn hộ dân Hà Nội mới chỉ khánh thành và đi vào hoạt động giai đoạn 1 được một thời gian ngắn.
Nó cũng gần như ngay lập tức thu hút sự quan tâm lớn của dư luận với mức giá bán nước sạch cao gấp đôi những nhà máy khác, các bản "hợp đồng gia đình" đằng sau lời quảng bá về công nghệ châu Âu tân tiến, hiện đại.
Các nhà máy nước ngập trong thua lỗ của "shark" Liên
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, dù mới chỉ đi vào vận hành được vài tháng, nhà máy đã tạo ra doanh thu đáng kể cho doanh nghiệp dự án là CTCP Nước mặt Sông Đuống (NMN Sông Đuống).
Năm ngoái, công ty này bắt đầu phát sinh doanh thu thuần với giá trị ghi nhận đạt 228 tỷ đồng, đồng thời báo lãi gộp 65,8 tỷ đồng, tương ứng với biên lãi gộp 28,86%.
Tuy nhiên, khoản lãi gộp nêu trên dường như vẫn chưa thể bù đắp các chi phí khác của năm đầu tiên vận hành, nên sau cùng, NMN Sông Đuống báo lỗ thuần 193,2 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với các năm trước đó.
Cần phải nhìn nhận rằng, NMN Sông Đuống mới đi vào hoạt động nên việc đánh giá hiệu quả vẫn còn khiên cưỡng. Tuy nhiên, sẽ là đáng lưu tâm nếu biết một dự án nước mặt khác của Tập đoàn Aqua One đã đi vào vận hành được nhiều năm vẫn không cho kết quả khả quan hơn.
Được vận hành giai đoạn 1 trước NMN Sông Đuống khoảng 2 năm (tháng 12/2017), dự án nước mặt sông Hậu của Tập đoàn Aqua One cũng chưa có lãi. Mà các khoản lỗ còn có xu hướng gia tăng trong các năm gần đây.
Như năm 2019, CTCP Nước AquaOne Hậu Giang (AquaOne Hậu Giang) chỉ ghi nhận 4,7 tỷ đồng doanh thu, báo lỗ thuần 321,3 tỷ đồng, cao gấp 3,8 lần so với năm trước.
Khoản lỗ lớn cũng "ăn mòn" vốn chủ sở hữu của AquaOne Hậu Giang từ mức 422 tỷ đồng vào cuối năm 2018, xuống chỉ còn 22,3 tỷ đồng vào cuối năm ngoái.
"Cái vui vẻ" của "shark" Liên tại NMN Sông Đuống
Nếu chỉ đơn thuần "bán nước sạch lấy tiền", hẳn kết quả kinh doanh kể trên của các dự án nhà máy nước sẽ khiến nữ doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên ("shark" Liên) không khỏi phiền lòng.
Tuy nhiên, nếu đi sâu vào cơ cấu tài chính của doanh nghiệp dự án, cùng cái cách bán cổ phần tại NMN Sông Đuống, hẳn "shark" Liên kỳ vọng ở một phép tính khác.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, kể từ khi dự án khởi công vào năm 2017 đến cuối năm 2019, dư nợ vay dài hạn của NMN Sông Đuống liên tục tăng nhanh, gấp nhiều lần quy mô vốn chủ sở hữu.
Năm 2018, khoản vay nợ dài hạn của NMN Sông Đuống lên tới 2.483,1 tỷ đồng. Sau khi nhà máy đi vào vận hành giai đoạn 1, tính đến cuối năm 2019, khối nợ của công ty tiếp tục tăng thêm 1.000 tỷ đồng, lên mức 3.506,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, quy mô vốn chủ sở hữu đến cuối năm ngoái mới chỉ đạt mức 813,2 tỷ đồng. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lên tới 4,3 lần. Hay nói cách khác, dự án NMN Sông Đuống chủ yếu được tài trợ bởi nguồn vốn vay ngân hàng. Mà nguồn vốn từ các cổ đông chưa chắc đã được góp đủ ngay từ đầu.
Như VietTimes từng đề cập, NMN Sông Đuống đăng ký thành lập từ ngày 8/6/2016, với quy mô vốn điều lệ ban đầu là ngót 1.000 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2016, báo cáo tài chính của NMN Sông Đuống ghi nhận số vốn góp của chủ sở hữu mới chỉ đạt hơn 669,856 tỷ đồng. Và phải tới cuối năm 2018, các cổ đông mới góp đủ vốn điều lệ đã đăng ký.
Tất nhiên, đó mới là con số trên báo cáo do công ty này tự lập. Mặt khác, cơ cấu cổ đông của NMN Sông Đuống cũng có nhiều biến động.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, CTCP Nước Aqua One (Aqua One) nhiều lần thế chấp cổ phần NMN Sông Đuống tại Ngân hàng TNHH Indovina – Chi nhánh Thiên Long. Đỉnh điểm là quyền sở hữu 30,89 triệu cổ phần NMN Sông Đuống thuộc sở hữu của Aqua One.
Tuy nhiên, khối tài sản này chỉ được nhà băng định giá ở mức 305,169 tỷ đồng, tương đương với 9.879 đồng/cp – tức còn thấp hơn mệnh giá (10.000 đồng/cp).
Vậy mà Tập đoàn WHA của Thái Lan lại chi ra tới 2.073,19 tỷ đồng để gom mua 33,98 triệu cổ phần, tương đương 34% vốn tại NMN Sông Đuống không lâu sau khi nhà máy vận hành giai đoạn 1. Theo tính toán của VietTimes, đại gia Thái Lan đã trả tới 60.999,9 đồng cho mỗi cổ phần của NMN Sông Đuống, gấp 6 lần mệnh giá.
Điều ấy cho thấy nhà đầu tư ngoại đánh giá rất cao tiềm năng của NMN Sông Đuống. Tiềm năng ấy phải đủ lớn và khả dĩ, kể như khả năng cung cấp nước cho 1/3 dân số Hà Nội là một gợi ý.
Đế chế của "shark" Liên còn gì?
Các nhà máy nước mặt Sông Đuống, Sông Hậu là 2 trong số 3 dự án nhà máy nước đáng chú ý của CTCP Nước Aqua One (Aqua One). Tập đoàn của "shark" Liên còn nhắm tới dự án Nhà máy nước mặt Xuân Mai – Hòa Bình thông qua Công ty TNHH Nước sạch Hòa Bình – Xuân Mai.
Theo giới thiệu, dự án có tổng mức đầu tư 4.295 tỷ đồng, công suất 150.000 m3/ngđ khi hoàn thành hợp phần 1 giai đoạn 1 (2021), hợp phần 2 giai đoạn 1 (2023) nâng lên 300.000 m3/ngđ, giai đoạn 2 (2030) nâng lên 600.000 m3/ngđ và sau năm 2030 đạt 900.000 m3/ngđ.
Với đường uống truyền dẫn nước sạch dài 58 km, dự án được giới thiệu sẽ cung cấp nước sạch cho quận Hà Đông, một phần quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và huyện Hoài Đức; Phía Nam: Từ vành đai 3 theo quốc lộ 1A về phía Nam gồm huyện Thường Tín và Phú Xuyên; Phía Tây và Tây Nam: huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và Ứng Hòa (Hà Nội). Một số thông tin báo chí phản ánh còn cho biết, dự án đã rậm rịch giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công san gạt nền, hạ cốt.
Chỉ có điều, dự án này không nằm trong Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Cho tới nay, việc bổ sung dự án vào quy hoạch điều chỉnh cũng chưa có quyết định rõ ràng.
Khác với các doanh nghiệp dự án, Aqua One trong 4 năm gần nhất liên tục báo lãi, nhưng khá "mỏng" nếu so với quy mô vốn chủ sở hữu. Năm 2019, công ty này không phát sinh doanh thu, nhưng báo lãi 2 tỷ đồng. Tính đến cuối năm ngoái, quy mô vốn tổng tài sản của Aqua One đạt mức 2.690,8 tỷ đồng, còn quy mô vốn chủ sở hữu đạt 2.040,5 tỷ đồng.
Ngoài các dự án nhà máy nước kể trên, Aqua One còn có các khoản đầu tư vào CTCP Cấp thoát nước Phú Yên, CTCP Nước sạch Hòa Bình (HBW). Bên cạnh đó, công ty này còn có mối quan hệ tín dụng khá bền chặt với CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) – nơi em gái của "shark" Liên là bà Đỗ Thị Minh Đức đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT.
VASS cũng là đơn vị đã bỏ ra 380 tỷ đồng để mua lại bất động sản rộng 292 m2 tại số 19 Phùng Khắc Khoan (phường Đa Kao, Quận 1, Tp. HCM) từ chính "shark" Liên.
Thêm nữa, công ty này còn góp vốn cùng "shark" Liên thành lập CTCP Dịch vụ và Đầu tư Lian (Lian), đánh dấu sự trở lại của bà Đỗ Thị Kim Liên trong lĩnh vực bảo hiểm.
Đế chế của "shark" Liên còn vươn tới lĩnh vực dược phẩm với "bạn đồng hành" là CTCP Aikya. Dữ liệu của VietTimes cho thấy, pháp nhân này trong 4 năm gần nhất liên tục thua lỗ lớn.
Các nhà máy nước của "shark" Liên ngập trong lỗ - ảnh 7
Chuyển biến "bên trong" NMN Sông Đuống
NMN Sông Đuống đăng ký thành lập từ ngày 8/6/2016, với quy mô vốn điều lệ ban đầu ở mức xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.
Các cổ đông sáng lập bao gồm: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (viết tắt: Hawaco, sở hữu 10% VĐL), Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ mới và Du Lịch (viết tắt: Newtatco, sở hữu 5% VĐL), VIAC (No.1) Limited Partnership (viết tắt: VIAC, sở hữu 27% VĐL) và Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (viết tắt: VietinBank Capital, sở hữu 58% VĐL).
Tính đến 31/12/2016, báo cáo tài chính của NMN Sông Đuống ghi nhận số vốn góp của chủ sở hữu mới chỉ đạt hơn 669,856 tỷ đồng. Phải tới cuối năm 2018, các cổ đông mới góp đủ vốn điều lệ đã đăng ký. Tất nhiên, đó mới là con số trên báo cáo do công ty này tự lập. Mặt khác, cơ cấu cổ đông của NMN Sông Đuống cũng đã thay đổi. Tại ngày 31/12/2018, VIAC và VietinBank Capital đã không còn xuất hiện trong cơ cấu cổ đông.
Thay vào đó là các pháp nhân: CTCP Nước Aqua One (viết tắt: Aqua One, sở hữu hơn 44,96 triệu cổ phần, tương đương 45% VĐL); CTCP Đầu tư và Xây dựng Toàn Mỹ 14 (viết tắt: Toàn Mỹ 14, sở hữu 30 triệu cổ phiếu, tương đương 30% VĐL) và CTCP Quản lý Quỹ Sài Gòn (viết tắt: Saigon Capital, sở hữu 10 triệu cp, tương đương 10% VĐL).
Và chốt tại ngày 30/6/2019, trước thời điểm bán 34% vốn cho Tập đoàn WHA (Thái Lan), cơ cấu cổ đông NMN Sông Đuống tiếp tục biến động, bao gồm: Aqua One (41% VĐL), ông Đỗ Tất Thắng (34% VĐL), Saigon Capital (10% VĐL), Hawaco (10% VĐL) và Newtatco (5% VĐL).
Đáng chú ý, sau khi đại gia Thái Lan hoàn tất mua cổ phần, tính đến cuối năm 2019, khoản đầu tư 350 tỷ đồng của Saigon Capital vào NMN Sông Đuống cũng không còn được ghi nhận. Các đại diện người Thái trong ban lãnh đạo NMN Sông Đuống cũng chiếm áp đảo số ghế.
Trong đó, VIAC có nhiều mối liên hệ với CTCP Đầu tư Việt Nam - Oman (viết tắt: VOI). Cả 2 pháp nhân này đều là những đối tác thân thiết của Tập đoàn Aqua One. Còn VietinBank Capital, Saigon Capital nhiều khả năng chỉ đóng vai trò nhận ủy thác đầu tư.
Liên quan tới dự án này, trong một diễn biến đáng chú ý mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cung cấp hồ sơ, tài liệu về việc đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống./