Các dấu hiệu cho thấy lạm phát đang quay trở lại khiến các nhà đầu tư lớn lo lắng.
Trong quá khứ, các giai đoạn lạm phát cao đã đè nặng lên lợi nhuận thực tế từ cổ phiếu và trái phiếu, những tài sản đã tăng mạnh trong thập kỷ qua khi áp lực lạm phát nhìn chung vẫn không giảm bớt.
Tuy nhiên, các dự báo lạm phát hiện đang tăng lên sau khi chi tiêu của chính phủ tăng mạnh và dòng thanh khoản do các ngân hàng trung ương tung ra để đối phó với đại dịch Covid-19.
Các nhà quản lý tài sản hiện đang đối mặt với hàng loạt câu hỏi từ khách hàng về rủi ro lạm phát và đang đổ xô tìm kiếm danh mục đầu tư tránh khỏi rủi ro lạm phá, điều có thể phá hỏng bữa tiệc của giới đầu tư một lần nữa.
Michael John Lytle, giám đốc điều hành của Tabula, công ty ETF có trụ sở tại London, cho biết: “Lạm phát đang là mối lo ngại ngày càng leo thang của các nhà đầu tư.”
IMF dự báo hồi tháng 10 rằng tỷ lệ lạm phát trung bình hàng năm ở các nền kinh tế phát triển sẽ tăng gấp đôi từ 0,8% năm ngoái lên 1,6% vào năm 2021. Trong khi đó, Citigroup ước tính lạm phát toàn cầu sẽ tăng từ mức trung bình 2% năm ngoái lên 2,3% trong năm nay.
Diễn biến giá cả gần đây trên thị trường hàng hóa cũng cho thấy áp lực lạm phát đang gia tăng.
Dầu thô Brent đã tăng từ khoảng 20 USD/thùng vào cuối tháng 4 lên hơn 60 USD/thùng. JPMorgan Chase dự báo giá dầu thô có thể đạt 100 USD /thùng, mức chưa từng có kể từ năm 2014.
Kim loại công nghiệp quan trọng nhất của thế giới là đồng đã đạt mức cao nhất trong 8 năm với hơn 8.400 USD/tấn, tăng hơn 70% so với tháng 3 năm ngoái.
Ugo Montrucchio, người đứng đầu bộ phận đầu tư đa tài sản cho châu Âu của Schroders đang quản lý 526 tỷ bảng Anh cho biết các khách hàng của ông đang đặt “ngày càng nhiều câu hỏi về lạm phát”.
Montrucchio cho biết: “Lạm phát luôn hiện hữu trong tâm trí các nhà đầu tư tổ chức lớn nhưng đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ thì ít hơn”. Ông đã tăng cường phân bổ đầu tư vào hàng hóa, cổ phiếu tài chính của Mỹ và trái phiếu chính phủ ngắn hạn để bảo vệ chống lại lạm phát gia tăng.
Các nhà hoạch định chính sách đã phát đi tín hiệu rằng họ sẽ không đối phó với lạm phát gia tăng bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ cho đến khi có bằng chứng rõ ràng rằng nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi bền vững sau sự gián đoạn do Covid-19 gây ra.
Theo CrossBorder Capital, một công ty tư vấn có trụ sở tại London, các ngân hàng trung ương đã bơm 6.600 tỷ USD thanh khoản vào thị trường tài chính kể từ tháng 3 khi đại dịch bùng phát nhanh chóng trên toàn cầu. Họ hy vọng các ngân hàng trung ương sẽ cung cấp thêm ít nhất 5.800 tỷ USD thanh khoản nữa như các cam kết mà họ đã đưa ra.
Michael Howell, giám đốc điều hành của CrossBorder Capital cho biết: “Các ngân hàng trung ương sẵn sàng tăng cường cung cấp thanh khoản thêm nếu cần.”
Rupert Watson, người đứng đầu phân bổ tài sản tại Mercer, cho biết các chính phủ sẽ cho phép nền kinh tế của họ nóng lên để hỗ trợ phục hồi sau đại dịch và điều đó cũng sẽ đẩy lạm phát lên cao.
“Nền kinh tế toàn cầu đang nhận được sự thúc đẩy mạnh mẽ về tài khóa và tiền tệ. Chúng tôi không kỳ vọng lạm phát sẽ tăng cao tới 5% nhưng mọi thứ không ngừng thay đổi. Chúng tôi khuyến khích khách hàng chú ý về độ nhạy lạm phát trong toàn bộ danh mục đầu tư của họ để có thể chấp nhận các kết quả có thể xảy ra,” Watson nói.
Cục Dự trữ Liên bang đã chỉ ra rằng họ không có ý định thay đổi quan điểm tiền tệ của mình cho đến khi lạm phát vượt quá mục tiêu 2% và thị trường việc làm đạt đến điểm tối ưu, mục tiêu kép không kỳ vọng được đặt trong ngắn hạn.
Các nhà đầu tư đã lưu ý đến hướng dẫn của Fed và định giá cả trong điều kiện lạm phát cao hơn lẫn sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động kinh tế vào cuối năm nay. Điều này đã khiến lợi suất tiêu chuẩn của trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ tăng từ 0,72% vào đầu tháng 9 lên khoảng 1,3%.
Tổng thống Joe Biden muốn Quốc hội thông qua dự luật kích thích tài khóa trị giá 1,9 tỷ USD để đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế Mỹ khỏi đại dịch. Đảng Cộng hòa phản đối kế hoạch của Biden và Lawrence Summers, người từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính thời Bill Clinton, đã cảnh báo rằng khoản chi tiêu bổ sung có thể gây ra "áp lực lạm phát thuộc loại chưa từng thấy".
Ở Mỹ, lạm phát giá tiêu dùng hàng năm chỉ ở mức 1,4% trong tháng Giêng. Nhưng những đợt tăng giá năng lượng và lương thực gần đây đã làm tăng mức lạm phát kỳ vọng của người tiêu dùng. Đại học Michigan đã công bố một cuộc khảo sát được theo dõi rộng rãi cho thấy người tiêu dùng cho rằng lạm phát của Mỹ sẽ đạt 3,3% trong 12 tháng tới, mức cao nhất kể từ năm 2014.
Phó giám đốc đầu tư toàn cầu của State Street Global Advisors (nhà quản lý tài sản lớn thứ ba trên thế giới), Lori Heinel cho biết các câu hỏi về lạm phát được các khách hàng đặt ra trong mọi cuộc họp từ đầu năm nay.
“Câu hỏi lớn mà các khách hàng muốn thảo luận là liệu thị trường chứng khoán có thể bị kéo xuống do lợi suất trái phiếu tăng từ áp lực lạm phát hay không. Nhưng lịch sử cho thấy lạm phát gia tăng vừa phải do hoạt động kinh tế mạnh lên có thể tốt cho cổ phiếu, ”Heinel nói.