Theo Bloomberg, quyết định cho phép các công ty Mỹ tiếp tục bán sản phẩm cho Huawei mà Tổng thống Trump đưa ra cuối tuần trước là kết quả của chiến dịch vận động hành lang mà các nhà sản xuất chip đã ráo riết thực hiện trong suốt một thời gian dài, với lý lẽ cho rằng lệnh cấm có thể làm tổn hại đến nền kinh tế cũng như an ninh quốc gia.
Trong nhiều cuộc họp cấp cao và trong cả lá thư gửi tới Bộ Thương mại Mỹ, các công ty này đã khẩn thiết yêu cầu chính quyền Trump đưa ra những hành động có mục tiêu cụ thể hơn thay vì áp đặt lệnh cấm có phạm vi quá rộng. Điều đó đồng nghĩa với việc xác định rõ những công nghệ cụ thể mà công ty Trung Quốc sẽ bị cấm cửa, trong khi cho phép các công ty Mỹ cung cấp những sản phẩm và dịch vụ còn lại.
Hiệp hội các nhà sản xuất chip bán dẫn của Mỹ (SIA) – nhóm quy tụ các công ty tiêu biểu như Intel, Broadcom và Qualcomm đã than phiền lệnh cấm vận Huawei sẽ khiến họ gặp phải những bất lợi nghiêm trọng như có thể bị Trung Quốc trả đũa trong khi đây là thị trường lớn nhất hay bị giảm thiểu khả năng đầu tư. Tháng trước, đại diện của các công ty này đã có cuộc họp với Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin để khẳng định việc cho Huawei vào danh sách thực thể sẽ gây ra những thiệt hại cho nước Mỹ.
Dường như những lập luận này đã thuyết phục được ông Trump. Sau khi kết thúc cuộc gặp cấp cao với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận bình tại Osaka hôm thứ 7, Tổng thống Mỹ cho biết các công ty Mỹ không hài lòng với chính sách với Huawei và thông báo ông đồng ý cho phép họ cung cấp linh kiện và công nghệ cho Huawei.
Trong khi những nhân vật có thái độ cứng rắn với Trung Quốc trong Quốc hội Mỹ và trong nội các của ông Trump chỉ trích quyết định này, người vui mừng nhất chính là các công ty chip. Theo người phát ngôn của Bộ Thương mại, các công ty có thể nộp đơn giải thích tầm quan trọng của mối quan hệ làm ăn với Huawei để được cấp phép.
Các nhà sản xuất chip đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và những tranh cãi xung quanh Huawei. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của các công ty sản xuất chip Mỹ, chiếm khoảng 1/3 doanh thu. Họ cho rằng không phải tất cả các linh kiện xuất khẩu cho Huawei đều là mối nguy đối với an ninh quốc gia trong khi Huawei sẽ dễ dàng tìm kiếm những nhà cung cấp thay thế. Với chi phí R&D khổng lồ của các con chip, nếu lệnh cấm vận Huawei kéo dài sẽ ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu và lợi thế cạnh tranh của các nhà sản xuất chip. Hồi tháng 5, Bắc Kinh đe dọa sẽ lên danh sách trả đũa nhằm vào các nhà cung ứng Mỹ được cho là "không đáng tin cậy".
Hiện thị trường chip nhớ đang bị thống trị bởi các nhà sản xuất đến từ Hàn Quốc với 68% thị phần. Điều đó có nghĩa là nếu như Micron, Intel và Western Digital bị loại ra khỏi thị trường Trung Quốc, họ sẽ trở thành những kẻ thua cuộc. Còn trên thị trường chip analog, Mỹ hiện đang chiếm 65% nhưng các khách hàng Trung Quốc có thể dễ dàng tìm đến các công ty châu Âu và Nhật Bản. Kể cả trên thị trường chip logic, nơi những công ty Mỹ như Intel và Qualcomm khá mạnh với 69% thị phần, ngay chính công ty con HiSilicon của Huawei cũng có thể trở thành nhà cung ứng thay thế.