Mới đây, Agriseco đã công bố báo cáo đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô quý 3 và đánh giá quý 4 năm 2021.
Báo cáo cho biết, việc Chính phủ mở cửa trở lại các khu vực đầu tàu kinh tế cũng sẽ thúc đẩy cho quá trình phục hồi, tăng dòng vốn FDI vào các khu công nghiệp, tiêu dùng được đẩy mạnh. Agriseco kỳ vọng, khi nền kinh tế mở cửa trở lại và tốc độ tiêm chủng cao, FDI sẽ hồi phục trong 3 tháng cuối năm cả về lượng vốn đăng ký và giải ngân .
Về trung và dài hạn, dòng vốn FDI kỳ vọng vẫn tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào lợi thế cạnh tranh của Việt Nam về vị trí địa lý, chi phí nhân công, giá thuê đất cũng như môi trường kinh doanh và chính sách ưu đãi. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động cũng giúp Việt Nam hưởng lợi như chiến tranh thương mại Mỹ Trung; hiệp định thương tự do được ký kết.
Báo cáo của Oxford Economics gần đây cũng có những nhận định tương tự. Theo đó, chuyên gia kinh tế Sian Fenner phân tích, triển vọng đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong trung hạn vẫn mạnh mẽ. Trong đó Trung Quốc có thể là điểm đến hàng đầu của FDI một lần nữa.
"Tuy nhiên, khi chi phí lao động ở Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn cùng với chủ nghĩa bảo hộ thương mại, thì các chuỗi cung ứng sẽ có xu hướng tiếp tục điều chỉnh. Nghĩa là, khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, sẵn sàng trở thành thị trường hưởng lợi chính", Sian Fenner cho hay.
Nguồn: Agriseco Research
Agriseco dự báo, bức tranh nền kinh tế vĩ mô hiện tại nhìn chung sẽ tạo ra một số cơ hội đầu tư tại một số nhóm ngành. Đơn cử như ngành bất động sản công nghiệp, các chuyên gia cho biết, cổ phiểu của nhóm ngành này sẽ được hưởng lợi nhờ Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút vốn đầu tư FDI nhờ lợi thế cạnh tranh từ vị trí địa lý, chi phí nhân công, giá thuê đất và các chính sách ưu đãi so với khu vực.
Bên cạnh đó, các ngành bất động sản, vật liệu xây dựng cũng sẽ được hưởng lợi từ đầu tư công, khi Chính phủ đang tập trung đẩy mạnh đầu kéo của nền kinh tế. Nhóm ngành bán lẻ tiêu dùng được kỳ vọng phục hồi khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trở lại.
Đối với nhóm ngành xuất khẩu, các chuyên gia khẳng định lĩnh vực này sẽ phục hồi mạnh mẽ nhờ vào 3 yếu tố chính. Thứ nhất, báo cáo chỉ ra rằng, chuỗi cung ứng toàn cầu đang có xu hướng dịch chuyển và Việt Nam là một trong những điểm đến của xu hướng trên.
Thứ hai, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại trên thế giới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA… Điều này giúp giảm mức thuế với các mặt hang thế mạnh của Việt Nam về mức 0% và tạo động lực tăng trưởng giao thương.
Thứ ba, yếu tố về nhu cầu được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ sau khi nền kinh tế tái khởi động. Báo cáo dự báo một số nhóm ngành sẽ có nhiều động lực tăng trưởng trong Quý 4/2021 nhờ xu thế này, bao gồm sắt thép, gỗ và các sản phẩm gỗ, may mặc và thủy hải sản.
Ngoài ra, ngành dược cũng được dự báo là một ngành có tiềm năng. Cụ thể, tờ báo The Star đưa tin, trong buổi hội thảo trực tuyến với chủ đề "Đầu tư vào Việt Nam: Thắng lợi và Thách thức" do công ty dược phẩm Adamed và Davipharm tổ chức vào tuần trước, ông Michal Wieczorek, Giám đốc điều hành Davipharm, cho biết ông nhìn thấy cơ hội lớn tại thị trường dược phẩm Việt Nam.
Cụ thể, thuốc sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 47% nhu cầu tiêu dùng. Trong tương lai, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe được dự báo sẽ tiếp tục tăng.
"Thị trường dược phẩm của Việt Nam sẽ vẫn là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trên thế giới", Giám đốc điều hành Davipharm chia sẻ.