Tưởng tượng bạn là một nhân viên đang cố trấn an các sếp rằng bạn sẽ hoàn thành công việc đúng deadline. Điều gì sẽ hiệu quả hơn: một cam kết đầy thuyết phục, ngắn gọn rằng bạn sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để hoàn thành công việc, nhưng họ sẽ không nắm được những nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình đó? Hoặc một kế hoạch chi tiết từng bước bạn sẽ thực hiện, nhưng trong đó họ có thể phát hiện ra những rủi ro nghiêm trọng?
Điều đó giống với sự lựa chọn mà các ngân hàng trung ương phải đối mặt khi họ cố gắng thuyết phục thị trường tài chính và công chúng rằng họ sẽ đáp ứng mục tiêu của thị trường. Trong thập kỷ qua, sự ưu tiên của họ đã rõ ràng: càng minh bạch và chi tiết càng tốt. Năm 2011, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tổ chức các cuộc họp báo sau các cuộc họp chính sách tiền tệ, công bố những dự báo kinh tế về phạm vi điều chỉnh lãi suất trong năm tiếp theo. Trong thế giới tài chính, chỉ dẫn tiếp theo về con đường lãi suất đã trở thành một phần của bộ công cụ. Các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương thực hiện nhiều bài phát biểu hơn, đưa các cuộc tranh luận kín ra công khai. Một số người cũng tweet quan điểm của họ lên Twitter.
Các thị trường càng hiểu cách ngân hàng trung ương sẽ phản ứng với các biến động, họ càng dự đoán chính sách trong tương lai tốt hơn. Các điều kiện trong thị trường tài chính cần ngay lập tức thắt chặt hoặc nới lỏng để đáp ứng với tin tức kinh tế, giúp các ngân hàng trung ương thực hiện nhiệm vụ dễ dàng hơn. Giống như việc bạn vạch ra kế hoạch của mình với sếp sẽ giúp công việc được triển khai tốt hơn.
Tuy nhiên, hiện tại, lý thuyết đang được thử nghiệm. Vào tháng 9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết họ sẽ khởi động lại nới lỏng định lượng (QE), mua trái phiếu bằng tiền mới được tạo ra và tiếp tục mua tài sản cho đến khi lạm phát tăng từ mức 1% hiện tại tới mục tiêu của ngân hàng là gần 2%. Những người phe diều hâu, trong đó có ông Klaas Knob, Chủ tịch Ngân hàng trung ương Hà Lan, đã thể hiện sự bất đồng quan điểm của họ. Lợi suất trái phiếu, ngịch đảo với giá, trước tiên giảm khi thị trường "ngấm" chỉ đạo của ECB. Nhưng sự xung đột đã khiến chúng đi theo hướng khác. Giá cả thị trường hiện tại cũng phản ánh những khả năng có thể xảy ra của cuộc đấu tranh chính trị với QE không giới hạn. Các nhà đầu tư đã phát hiện ra một lỗ hổng trong kế hoạch.
Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang có thể sẽ cắt giảm lãi suất lần thứ 3 trong năm nay vào ngày 30/10. Trong năm nay, Fed đã báo hiệu ý định của mình đối với thị trường trái phiếu, đồng thời thực hiện những hành động thích hợp theo đó. Nhưng lợi suất trái phiếu là lời dự đoán về những gì Fed sẽ làm, không phải là một chỉ dẫn. Kết quả là, Fed và các thị trường đã bước vào một vòng xoáy bi quan, trong khi nền kinh tế thực sự đã bị bỏ qua. Trong khi muốn giữ sự kết nối với các thị trường, Fed đã quên mất vị trí lãnh đạo của mình.
Các ngân hàng trung ương khác cũng phải tìm cách đưa ra chỉ đạo thích hợp khi phải đối mặt với những diễn biến khác nhau của thị trường. Một thỏa thuận đình chiến giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm thay đổi triển vọng kinh tế. Một Brexit không có thỏa thuận có thể gây ra sự hỗn loạn ở Anh và lan sang phần còn lại của châu Âu. Công khai với thị trường những dự liệu về chính sách không phải là điều dễ dàng bởi nó không đơn giản như lựa chọn giữa đen và trắng.
Vậy việc các ngân hàng trung ương ít công khai hơn có giúp ích gì không? Các nhà kinh tế vi mô từ lâu đã cho rằng sự "mơ hồ" có những ứng dụng chiến lược. Trong những năm gần đây, ông Bengt Holmström của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), người đã giành giải thưởng Nobel kinh tế năm 2016, lập luận rằng sự thiếu minh bạch của ngân hàng trung ương có công dụng riêng của nó trong thị trường tín dụng. Phần lớn thời gian, những thị trường này, không giống như thị trường cổ phiếu, thường không nhạy cảm với thông tin - họ không phản ứng nhiều với tin tức. Ngược lại với cổ phiếu, không có triển vọng tăng nào đối với người cho vay khi mọi diễn biến đều thuận lợi và sự vỡ nợ là một rủi ro mơ hồ, đặc biệt là khi các khoản vay được thế chấp đầy đủ. Ông nói rằng, trạng thái "không có câu hỏi nào" là dấu hiệu xác định tính thanh khoản của thị trường tiền tệ.
Tuy nhiên, trong thời kỳ hỗn loạn, thị trường tiền tệ cạn kiệt khi rủi ro lớn hơn. Người cho vay phải xem xét kỹ lưỡng mọi giao dịch. Khôi phục sự ổn định là một lời hứa mơ hồ và do đó khó có thể phân tích. Ví dụ, tại thời điểm tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng nợ có chủ quyền khu vực đồng euro, ông Mario Draghi, chủ tịch ECB, đã cam kết thực hiện bất cứ điều gì cần thiết để giữ an toàn cho đồng tiền này. Ông Holmström cũng nhắc tới việc Fed cung cấp cho các ngân hàng những khoản cho vay khẩn cấp trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng không tiết lộ tổ chức nào nhận được hỗ trợ, vì nguy cơ xảy ra ra đột biến rút tiền gửi.
Quá nhiều thông tin
Một số nhà kinh tế cho rằng lời hứa giữ lạm phát ở mức thấp của các ngân hàng trung ương đáng tin cậy đến mức công chúng hiếm khi sửa đổi dự báo của mình trước các tin tức kinh tế - một trường hợp khác của "không có câu hỏi nào".
Nhưng nói đến lãi suất lại là một trường hợp riêng biệt. Lãi suất rất đa dạng và các thị trường phải dự đoán một con số nào đó. Các ngân hàng trung ương cũng có thể hướng theo những kỳ vọng như vậy. Các giới hạn của truyền thông được xem là vòng cuối cùng trong cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ giữa những người muốn chính sách tiền tệ được đặt ra theo các quy tắc và những người ủng hộ sự tự quyết định. Chỉ đạo rõ ràng nhất sẽ là một thuật toán hoàn toàn minh bạch liên kết lãi suất với dữ liệu kinh tế. Nhưng một chức năng phản ứng cơ học như vậy, chỉ tồn tại trong các mô hình kinh tế. Trong thực tế, các nhà hoạch định chính sách phải sử dụng phán đoán của mình, có nghĩa là quyết định của họ vốn đã không chắc chắn.
Miễn là điều đó đúng, có một giới hạn về mức độ minh bạch có thể giúp dự báo được lãi suất. Kinh nghiệm gần đây của các ngân hàng trung ương cho thấy, công khai cũng có nhược điểm của nó. Lời khuyên "im lặng là vàng" luôn đáng để suy ngẫm.