Cho vay ngang hàng là cụm từ được nhắc đến trong thời gian qua tại Việt Nam với sự phát triển hết sức nhanh chóng, tuy giúp cho việc tiếp cận vốn phí chính thức của người dân trở nên dễ dàng hơn thì cũng kéo theo không ít hệ lụy đi kèm như lừa đảo, tín dụng đen,…Không khó nhận ra, loại hình cho vay này đang gây không ít bối rối cho người dân và cả cơ quan quản lý.
Trong một báo cáo mới đây, TS. Cấn Văn Lực và Trung tâm nghiên cứu BIDV cho biết, thực tế mô hình cho vay này đã xuất hiện được hơn 10 năm. Cụ thể, cho vay ngang hàng lần đầu xuất hiện tại Anh Quốc vào năm 2005 với công ty P2P đầu tiên là Zopa (hiện nay công ty này vẫn là lớn nhất tại Anh Quốc với doanh số cho vay năm 2017 đạt 1,3 tỷ USD, doanh thu 61 triệu USD) và từ đó phát triển nhanh chóng trên thế giới. Theo thống kê, năm 2012, tổng dư nợ cho vay qua kênh P2P trên toàn cầu đạt khoảng 1,2 tỷ USD, năm 2015 con số này lên tới 64 tỷ USD, và dự báo có thể lên đến hơn 1.000 tỷ USD đến năm 2025.
Tại các thị trường phát triển như Mỹ và Anh Quốc, cho vay trực tuyến vận hành gần giống như hoạt động đầu tư trái phiếu; theo đó, các khoản đầu tư được chia nhỏ dưới dạng chứng chỉ đầu tư và phát hành cho nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ nắm giữ. Mục đích loại hình cho vay này thường tập trung vào cho vay thế chấp (mua nhà, ô tô…), tái cho vay thẻ tín dụng, cho vay tiêu dùng, cho vay doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cho vay khởi nghiệp...
Quan sát các quốc gia trên thế giới, trung tâm nghiên cứu BIDV chỉ ra rằng quy định quản lý đối với hoạt động cho vay ngang hàng tại các quốc gia tập trung vào 3 vấn đề chính gồm: (i) quy định về giới hạn đầu tư/cho vay của nhà đầu tư, (ii) quy định về tiêu chuẩn cấp phép, hoạt động và giám sát đối với tổ chức cung cấp nền tảng công nghệ, và (iii) quy định và hoạt động giám sát công bố thông tin.
Tại Mỹ, các quy định liên quan đến cho vay ngang hàng tập trung ở 4 mục chính. Thứ nhất là quy định về giới hạn vốn huy động. Theo đó, công ty P2P chỉ được huy động tối đa 1,07 triệu USD trong mỗi năm từ nhà đầu tư, trừ trường hợp đặc biệt cần xin phép riêng. Khi đó, số vốn huy động của công ty này được tính bằng tổng vốn huy động của toàn bộ các đơn vị do công ty này nắm quyền kiểm soát. Thứ hai là quy định về giới hạn đầu tư cá nhân. Theo đó, giới hạn đầu tư của một cá nhân được tính bằng tổng các khoản đầu tư được thực hiện bởi nhà đầu tư đó trong vòng 12 tháng và không có trường hợp ngoại tệ. Giới hạn đầu tư được xác định tùy vào thu nhập hoặc tài sản ròng hàng năm của nhà đầu tư. Thứ ba là các tiêu chuẩn cấp phép và hoạt động đối với công ty P2P - tương tự như điều kiện cấp phép hoạt động đối với công ty quản lý đầu tư tại Mỹ. Đồng thời, các công ty muốn huy động vốn từ cộng đồng phải đáp ứng các tiêu chuẩn của Sở giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC). Thứ tư là các tiêu chuẩn, yêu cầu về công khai thông tin đối với các công ty P2P.
Tại một số quốc gia Đông Nam Á: các quốc gia Đông Nam Á có xu hướng xem cho vay ngang hàng như hoạt động cho vay thực sự và cần được quản lý tương tự như hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đó, có quy định pháp lý về tiêu chuẩn cấp phép, trong đó có mức vốn tối thiểu, đội ngũ quản lý… đối với công ty P2P. Đồng thời, yêu cầu cơ quan quản lý có biện pháp thường xuyên giám sát, đánh giá tình hình tài chính, thông tin hoạt động của các công ty P2P cũng như đánh giá rủi ro tổng thể của thị trường cho vay ngang hàng này.
Tại Malaysia, Ủy ban chứng khoán quốc gia (SC) giữ vai trò chính trong việc quản lý mô hình cho vay ngang hàng (do quan niệm đây là hình thức đầu tư vốn). SC đã ban hành các quy định nghiêm ngặt trong việc quản lý các công ty P2P, trong đó một số điểm đáng chú ý như lãi suất cho vay không vượt mức 18%/năm, chỉ có các công ty Malaysia với số vốn thực góp tối thiểu 5 triệu ringgit (khoảng 1,2 triệu USD) mới được cung cấp nền tảng và dịch vụ cho vay P2P.
Tại Indonesia, việc quản lý hoạt động của các công ty P2P và fintech thuộc về Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tài chính (OJK). Các công ty P2P (gồm cả Fintech tham gia dịch vụ này) phải có số vốn tối thiểu 1 triệu rupiah (khoảng 67.000 USD) khi đăng ký và 2,5 triệu rupiah để được chính thức cấp giấy phép kinh doanh. Các công ty P2P này phải ký quỹ và có tài khoản định danh tại ngân hàng trong thời gian hoạt động. Ngoài ra, OJK cũng đang xem xét quy định trần lãi suất đối với cho vay ngang hàng.
Bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc
Cho vay ngang hàng bắt đầu bùng nổ tại Trung Quốc vào năm 2011 và nhanh chóng phát triển mạnh mẽ, một phần là do tại Trung Quốc, khách hàng cá nhân và DNNVV rất khó tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng nên đã tìm đến kênh cho vay này. Kết quả là, cho vay ngang hàng tại Trung Quốc thu hút tới 50 triệu người tham gia đầu tư với mức lãi suất từ 10%/năm trở lên, cao hơn gấp đôi mức lãi suất của ngân hàng. Tính đến tháng 6/2018, thị trường cho vay ngang hàng của Trung Quốc có giá trị gần 218 tỷ USD.
Tuy nhiên, do thiếu kiểm soát của Chính phủ, các công ty P2P tại Trung Quốc ngày càng hoạt động biến tướng với hình thức huy động vốn bất hợp pháp hoặc theo mô hình đầu tư đa cấp. Hậu quả là hàng loạt công ty P2P phá sản, chủ các công ty này ôm tiền chạy trốn. Chỉ trong vòng 2 tháng kể từ tháng 6/2018, hơn 400 công ty P2P đã dừng hoạt động và các nhà đầu tư không thể đòi lại tiền. Việc này đã trở thành vấn nạn xã hội khi nhiều nhà đầu tư đình công, biểu tình yêu cầu Chính phủ Trung Quốc phải có biện pháp bảo vệ quyền lợi của họ.
Nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến cuộc khủng hoảng này là cách tiếp cận sai của Chính phủ đối với hoạt động này. Trung Quốc đã coi cho vay ngang hàng là "hệ thống trao đổi thông tin khoản vay". Cách hiểu này đã khiến các quy định của Trung Quốc rất lỏng lẻo tạo kẽ hở cho các vi phạm và biến tượng dẫn đến hệ lụy đã xảy ra.
Sau hàng loạt vụ việc đổ vỡ như nêu trên, Chính phủ Trung Quốc đã bổ sung 10 biện pháp tăng cường kiểm soát như cấm mở thêm các website cho vay trực tuyến, yêu cầu các công ty P2P còn hoạt động phải dỡ bỏ các rào cản đối với việc khách hàng khiếu nại, tăng cường hình phạt đối với các công ty P2P có hành vi lừa đảo; thiết lập chương trình bồi thường cho nhà đầu tư khi các công ty P2P phá sản…
Trong khi đó tại Việt Nam cho vay ngang hàng mới xuất hiện trong vài năm qua nhưng đến nay đã có khoảng 10 công ty cho vay theo mô hình này và đang phát triển nhanh chóng, hiện có công ty mới thành lập được gần hai năm mà mỗi ngày có khoảng 2.000 đơn xin vay. Xu thế phát triển cho vay ngang hàng tại Việt Nam được đánh giá là rất nhanh với lý do chính là: (i) dân số 96 triệu người với phần đông trong độ tuổi lao động, thu nhập đang tăng khá nhanh và người dân thích dùng công nghệ tiên tiến, (ii) khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính-ngân hàng còn ở mức khiêm tốn so với khu vực (theo Ngân hàng Thế giới, tại Việt Nam mới chỉ có khoảng 40% người lớn có tài khoản ngân hàng so với tỷ lệ 80% của Trung Quốc hay 74% tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương), và (iii) công nghệ thông tin đang phát triển nhanh chóng.
Cũng như tại nhiều quốc gia đang phát triển khác, tại Việt Nam, xu thế phát triển cho vay ngang hàng diễn ra nhanh. Một mặt là hỗ trợ đáp ứng nhu cầu vốn phi chính thức, đa dạng hóa kênh đầu tư. Mặt khác, do các công ty P2P và nhà đầu tư chưa hiểu đúng tính chất của cho vay ngang hàng, hoặc hoạt động biến tướng nên tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ lụy. Trên thực tế, tại Việt Nam cũng đã xuất hiện một số công ty P2P cho vay trực tuyến với lãi suất được phản ánh lên đến trên 100%/năm. Hiện tượng biến tướng, lừa đảo, trà trộn lẫn tín dụng đen… diễn biến rất phức tạp. Tuy vậy, giống như một số nước đang phát triển khác, hiện nay Việt Nam chưa có hành lang pháp lý đối với cho vay ngang hàng, nên các công ty hoạt động trong lĩnh vực này thường đăng ký là công ty tư vấn đầu tư, quan hệ cho vay vẫn được hiểu là quan hệ dân sự. Thực tế này tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ lụy về cả khía cạnh kinh tế cũng như xã hội đối với Việt Nam.